Làng treo, mỏ neo, bao giờ mới dứt?

ĐĂNG QUANG 14/11/2021 04:29

Quốc hội đang họp, dân Quảng nghe ngóng nhiều thứ, nhưng mối quan tâm theo quy luật “tương cận” là những chuyện gần mình thì ưu tiên.

Khá đồng tình với tiếng nói của đại biểu Lê Văn Dũng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành trung ương về những vụ việc kéo dài, gây nhiều hệ lụy diễn ra trên địa bàn Quảng Nam, khiến các cấp chính quyền địa phương và nhân dân vô cùng bức xúc. Trong đó có vấn đề đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu (Phú Ninh) và Dự án làng Đại học Đà Nẵng,...

Tại sao lại nói đây là các vấn đề “vô cùng bức xúc”? Bởi, diễn đạt nôm na mà chua lè như kiểu mấy ông già người Quảng nói chuyện “làng treo, mỏ neo” bươi ra nghe… thối bảy xã.

Làng Đại học Đà Nẵng có thể coi là “điển hình dự án treo” mang tầm thế kỷ, chính xác là gần một phần tư thế kỷ. Dự án này được Chính phủ phê duyệt vào ngày 9.12.1997, với tổng diện tích gần 300ha (trong đó, địa bàn Quảng Nam 190ha và TP.Đà Nẵng 110ha). Nghĩa là vừa ngay sau tái lập tỉnh Quảng Nam một năm đã triển khai mà để trôi miết tới giờ chưa xong.

Trong quãng 1997 - 2017, vốn đầu tư của Bộ GD-ĐT cho dự án khoảng 300 tỷ đồng, đạt 5% so với tổng mức đầu tư dự kiến. Cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ KH-ĐT về bố trí 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn cả nước giai đoạn 2016 - 2020 để triển khai thực hiện dự án. Riêng năm 2020, phân bổ 500 tỷ đồng vốn đầu tư, trong đó có 400 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, nghe nói “chu choa hung he” vậy mà làm chậm như rùa, vốn đầu tư nhỏ giọt, ách tắc mặt bằng vẫn kéo dài, việc chuyển từ “làng” qua đô thị đại học vẫn ì ạch, hàng ngàn hộ dân trong vùng dự án vẫn bí bách điều kiện sinh hoạt.

Còn vì sao lại cho việc khai thác mỏ vàng Bồng Miêu, gọi là mỏ neo? Thực không khác kiểu “làm ăn đểu”. Bởi ai đời đào vàng lên bán mà doanh nghiệp cứ la làng là lỗ suốt. Cả thời gian dài, phương thức “chuyển giá” thế nào khiến cho nguồn thu về ngân sách không được bao nhiêu mà đến khi sắp phá sản thì Công ty Vàng Bồng Miêu nợ thuế 103 tỷ đồng, bị Cục Thuế tỉnh phong tỏa tài khoản.

Oái oăm hơn là khi giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty Vàng Bồng Miêu hết hạn (ngày 5.3.2016), UBND tỉnh đã gửi công văn đề nghị Bộ Tài nguyên - môi trường yêu cầu công ty dừng hoạt động khai thác vàng; khẩn trương thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định và bàn giao khu vực mỏ cho địa phương quản lý vào cuối tháng 9.2016, nhưng từ đó đến nay mỏ vẫn neo đó, trơi đời.

Việc thực hiện đóng cửa mỏ ban đầu rắc rối về kinh phí, dự kiến mất khoảng 19 tỷ đồng không biết lấy nguồn nào, sau tỉnh Quảng Nam tự tính toán bố trí được thì lại vướng thủ tục. Cái thủ tục gì thật nhì nhằng, chính quyền địa phương kiến nghị, gửi công văn nhiều lần trong suốt 3 năm qua mà bộ ngành chủ quản vẫn án binh bất động, chưa có quyết định phê duyệt đóng cửa mỏ(?).

Chuyện “làng treo, mỏ neo” chưa chấm dứt, giải quyết triệt để nên gây lùng bùng cho việc quản lý của chính quyền sở tại và cả phía người dân. Đáng lo hơn có thể “cái sảy nảy cái ung” khiến bung xung những hiện tượng vi phạm pháp luật. Chẳng hạn trên vùng dự án Làng Đại học Đà Nẵng, dân phải sửa nhà để ở, cơi nới lấn chiếm quy hoạch; còn ở mỏ vàng Bồng Miêu thì “vàng tặc” hoành hành, ô nhiễm môi trường trầm trọng, an ninh trật tự diễn biến phức tạp.

Chuyện bức xúc của Quảng Nam đã được nói to trên diễn đàn Quốc hội, hy vọng lần này không trôi. Cái nhọt thường thối, bươi ra thối hung, nhưng không thể để lùng nhùng mãi được, vậy cần xử lý lẹ! 

ĐĂNG QUANG