Khoai lang gàn luống dọc thích bò ngang
Đảng đã chủ trương xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.
Vấn đề nhiều người quan tâm là cụ thể hóa chủ trương đó thế nào? Ban Tổ chức Trung ương xúc tiến xây dựng cơ chế và Bộ Chính trị vừa có Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Đồng thời Trung ương Đảng đã có Quy định số 22, yêu cầu: “Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung”.
Có lẽ với những bước đi như vậy, việc thúc đẩy chuyển biến về tư duy và hành động trong đội ngũ cán bộ kỳ vọng tạo bước ngoặt tích cực. Trên công luận thấy nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương, tuy nhiên còn băn khoăn là khi đưa cơ chế vào thực tiễn ít nhiều sẽ va chạm với những trì trệ lâu nay. Đó là quan niệm không làm - không sai, thực tế đang tồn tại trong suy nghĩ của không ít cán bộ.
Muốn “giải phóng” tư duy này hẳn phải có hành lang pháp lý minh bạch, bố trí cán bộ phải công tâm khách quan với một bộ chỉ số để đánh giá năng lực công việc hiệu quả, sát đúng. Nếu việc chọn cán bộ không đúng, pháp luật thiếu minh bạch và thực thi yếu kém, không đánh giá công việc bằng các chỉ số hợp lý thì sẽ khó hiện thực hóa chủ trương.
Đến đây xin rẽ qua một bàn luận khác về bản lĩnh con người, nhưng sẽ soi rọi lại câu chuyện về việc nhìn nhận và bảo vệ cán bộ. Có hai vùng đất nổi tiếng hay cãi và dám đương đầu với trái ngang đó là xứ Nghệ và xứ Quảng, mà hai hình ảnh biểu trưng là “ông đồ gàn” và “thầy cãi”.
Câu thơ “Khoai lang gàn luống dọc thích bò ngang” (Trần Mạnh Hảo), khắc họa sâu sắc tính cách ấy của người xứ Nghệ, mà cũng đúng với người xứ Quảng vậy.
Trên hai vùng đất này, con người tần tảo, mộc mạc như “khoai lang”, song tính cách hay “thích bò ngang” dù đời là “luống dọc”, ý nói cái sự phản biện. “Gàn”, tức cũng có cái bướng, cái chướng, nhưng mặt khác là bản lĩnh dám đối đầu chông gai, thử thách, dám nghĩ, dám phản biện, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm…
Có bản lĩnh dám nghĩ, dám làm nên hai xứ sở trở thành nơi phát khởi những tư tưởng đột phá và hành động, tạo dựng nhiều phong trào yêu nước và Duy tân. Tư duy sáng tạo luôn dám cãi với cái cũ, thủ cựu, lạc hậu trì hãm sự tiến bộ.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từng cho rằng “Cãi là biểu hiện của sự phát triển trí tuệ. Ở lĩnh vực đạo đức, cãi là biểu hiện của con người trực tính, không nịnh bợ và không dễ dàng chấp nhận điều mà người khác áp đặt cho mình. Chỉ có con người can đảm, ngay thẳng mới dám cãi, chịu chơi tham gia tranh cãi. Người xưa gọi đó là khí tiết…”.
Nhưng cũng có thể vì khí tiết đó mà nhiều người gập ghềnh trên đường sự nghiệp, ví như “nhà Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân nhận xét: “Có thể đoán, người Quảng Nam bị nhiều trắc trở trong việc thăng quan tiến chức mà một trong những lý do chính, quan trọng có thể vì bệnh hay cãi mà ra. Cãi đúng hay sai, điều ấy không thể biết được vì nó đã thuộc về dĩ vãng. Nhưng chỉ cần nghe tiếng “hay cãi” là không cấp lãnh đạo nào “nghe” dễ chịu”. Rõ là cãi - phản biện, dù có thiện ý cũng không dễ được nghe.
Với tính cách kể trên, việc bảo vệ cán bộ dám nói dám làm dám đột phá (biểu hiện hay cãi như thầy Quảng, có khi gàn như đồ Nghệ, hoặc tính “chịu chơi” như người Nam Bộ…) đòi hỏi lãnh đạo chịu nghe phản biện, nhìn nhận, đánh giá công tâm, không nghe lời gian thần nịnh ngọt cấp trên và xúc xiểm người ngay thẳng.