Những vì sao cô đơn
Có những đời người bất hạnh trở thành vì sao cô đơn. Mồ côi bình thường là khi cha già mẹ yếu mất đi, bất thường là do thiên tai hoạn nạn từ đâu bỗng dưng đổ xuống làm cho nhiều người lâm cảnh mồ côi.
Đất Quảng nắng lắm mưa nhiều, mỗi năm có mươi cơn bão, cơn lụt nên thường gặp mất mát, khiến nhiều phận mồ côi tội nghiệp. Như câu hát buồn người xưa truyền lại:
Lụt nguồn trôi trái lòn bon
Cha mất mẹ còn, chịu cảnh mồ côi
Mồ côi khổ lắm con ơi
Đói cơm ai biết, lỡ lời ai phân…
Thiên tai đã dữ, đại dịch thế kỷ Covid-19 càng khiếp hơn, làm cho nhiều phận người phút chốc hóa mồ côi. Trường hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Ngân (sinh năm 1973) ở Tiên Cảnh, Tiên Phước là ví dụ.
Khi đi Bình Dương làm công nhân để nuôi gia đình, Ngân nguyên vẹn một dáng hình sung sức vậy mà giờ chị trở về là… một bình tro cốt và cái ảnh thờ sau khi qua đời vì Covid-19. Thật xót thương vô kể cho ba đứa con của chị phải mồ côi mẹ!
Quảng Nam thì ít, còn cả nhân loại gần 5 triệu ca tử vong, cả nước gần 18 nghìn người chết, không biết bao nhiêu người đã mồ côi cha, mồ côi mẹ, mồ côi con, mồ côi cháu…
Tiếng kêu thương vọng lại xót xa trong đại dịch, như ai đó diễn tả không khác tình huống trong cuộc chiến tranh tàn khốc, vì “Mồ côi bình thường là mồ côi mẹ mồ côi cha, đất nước có chiến tranh thêm mồ côi con mồ côi cháu”.
Đại dịch khiến 1,5 triệu trẻ em trên toàn cầu đã mất đi người nuôi dưỡng chủ yếu. Không chỉ mồ côi mà chính trẻ em cũng gặp đại nạn, riêng ở Việt Nam, Cục Trẻ em thống kê đến hết tháng 8.2021, cả nước có hơn 11.800 trẻ em là F0, hơn 27.300 trẻ em là F1.
Tổn thương và di chứng sẽ còn kéo dài dù đại dịch có qua đi. Bởi những phận mồ côi sẽ hằn dấu nỗi đau trong thế giới mong manh, như những vì sao lẻ loi đơn độc ở khoảng trời ký ức đời người. Đợi ở đâu và đến bao giờ mới có giọt nước cành dương cam lồ của bồ tát cứu nạn? E huyễn mộng, nên chỉ trông đợi hiện tiền có những nhà hảo tâm cứu giúp, nhất là cưu mang các trẻ mồ côi.
Đây đó đã vang lên lời kêu gọi hướng về trẻ em sau cái Tết Trung thu buồn tẻ. Với những trẻ mồ côi vì Covid-19, Báo Người Lao Động đã khởi lên hẳn một chương trình “Tình thương cho em” kêu gọi đóng góp, và mừng thay chỉ trong một tuần đã có khoảng 1,5 tỷ đồng gửi đến làm quỹ hỗ trợ cho các em.
Đặc biệt, có một doanh nhân nổi tiếng, quê quán Quảng Nam, là ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT, đã cam kết nhận 1.000 em mồ côi và đào tạo liên tục trong 20 năm tới, chi phí mỗi năm dự kiến 80 tỷ đồng. Tâm ý của ông Bình cùng Tập đoàn FPT thật đáng trân trọng, bởi cách đó mở ra cánh cửa giúp trẻ mồ côi có cơ hội học tập và rèn luyện kỹ năng.
Có ý kiến ra vô rằng nếu đưa các em vào đào tạo như mô hình trường “thiếu sinh quân” là không phù hợp, nhưng nếu đọc kỹ bài trả lời phỏng vấn của ông Bình trên báo chí có thể chia sẻ và cảm thông được khi tập đoàn “muốn giúp các em phát huy mọi khả năng của mình. Nếu các em giỏi công nghệ thì đi theo con đường công nghệ, giỏi nghệ thuật đi theo con đường nghệ thuật, giỏi khoa học thì làm khoa học...”.
Giúp trẻ mồ côi do Covid-19, hay thiên tai hoạn nạn, cũng là cách đốt lên ngọn lửa thay vì chấp nhận ngồi buồn tủi trong bóng tối. Có tiềm lực kinh tế mạnh làm được như FPT là quý, còn nếu không thì trở lại với cách làm truyền thống cha ông là nhờ họ hàng đùm bọc tùy hoàn cảnh “sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”, hoặc vận động nhận con nuôi.
Những vì sao đơn côi cần biết bao tấm lòng cứu giúp, rảnh hơi đâu mà “tám chuyện” của các ngôi sao trong làng giải trí lạc lõng “sao kê” từ thiện om sòm.