Đi thì lại mắc cái cầu, cái mương…

ĐĂNG QUANG 29/08/2021 05:58

Diễn tả một nghịch cảnh giữa tâm ý và những rào cản thực tại, mấy ông bà già xứ Quảng đã nhắc câu ca để đời về tình huống xà quần, rằng:

Không đi thì nhớ thì thương
Đi thì lại mắc cái mương cái cầu
Không đi thì nhớ thì sầu
Đi thì lại mắc cái cầu cái mương...

Kiểu này gặp rất nhiều trong đời sống nhưng chưa bao giờ thành một nỗi ám ảnh dễ sợ như thời bệnh dịch Covid hoành hành. Tình cảnh nhiều tỉnh thành, địa phương bị cách ly, giãn cách kéo dài, thật sự đè nặng tâm lý muốn đi mà chẳng đặng, ở tại chỗ mà lòng không yên.

Đặc biệt phải nói là nhiều nơi làm quá gắt, dựng hàng rào gai sắt ngăn cản khu vực phong tỏa, thậm chí là cả hàng rào tôn che giữa đường phố để phân ra “vùng xanh”- “vùng đỏ”.

Sao lại thực thi ý tưởng lạ đời, quái đản vậy? Thì vẫn biết có trường hợp ý thức kém khi vượt chốt, xé rào để đi, nhưng làm gì được con vi rút Covi với hàng rào đó? Hàng rào, phải là từ trong ý thức, tâm tưởng con người, “cứng” hay “mềm” là do biện pháp hiệu quả và nhận thức, hành động của cả cộng đồng.

Hàng rào có mềm như băng vải ở sân bay mà vẫn phải sắp hàng trật tự, bởi đó là “hàng rào quy ước ứng xử”, nào cần phải dựng lên “dây thép gai đâm nát trời chiều” khiến nhãn quan thêm nặng nề, phản cảm.

Mà thôi cũng chẳng muốn nói nhiều về rào cản tư duy và phương pháp quản trị xã hội, nhất là ở thời dịch giã vật vã dễ làm con người ta quẩn trí. Điều đáng lo hơn là những cản ngại khác trong công cuộc làm ăn, hiện có rất nhiều “cái mương, cái cầu” làm ách tắc giao thương, đặc biệt là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư rất thấp có thể khiến kinh tế càng khó tăng trưởng.

Tính đến 31.7.2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công cả nước mới đạt 36,71%  so với kế hoạch vốn năm 2021, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%). Riêng Quảng Nam còn đứng ở tốp tỉnh thành có tỷ lệ giải ngân rất thấp, đến 31.7 mới đạt khoảng 35,5%, có tới 9 huyện giải ngân chưa đạt 50%, 11 sở, ban ngành giải ngân dưới 10%.

Phân tích nguyên nhân tỷ lệ giải ngân thấp là do vướng mắc nhiều thứ, từ mặt bằng cho dự án chậm giải tỏa nên không triển khai thi công được, đến các hồ sơ, thủ tục đầu tư lòng vòng, rắc rối chỉnh sửa, bổ sung và thẩm định, phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra mặt chủ quan do công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện là chủ yếu.

Theo đó, có  phần do vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn bất cập; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh...

Vì những “cái mương, cái cầu” cản trở đó, ngày 16.8.2021,Thủ tướng Chính phủ phải ra công điện số 1082/CĐ-TTg thúc giục đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, trong đó nêu rõ sẽ “có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công”. Ở Quảng Nam, lãnh đạo tỉnh cũng liên tục đôn đốc và đề ra nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân.  

Nóng ruột là đúng, bởi nếu để tỷ lệ giải ngân thấp sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

ĐĂNG QUANG