Hương sen trắc ẩn

NGUYỄN ĐIỆN NAM 22/08/2021 06:28

Mỗi năm có hai mùa sen tháng Tư và tháng Bảy âm lịch, trúng kỳ dịp khánh đản và lễ Vu lan, liên quan ít nhiều gợi suy tưởng đến nhà Phật và tâm thức tín ngưỡng dân gian. Sen vô ưu với tôn giáo, nhưng lòng trắc ẩn với nhân sinh thì không bao giờ vơi cạn.

Quan niệm dân gian coi tháng Bảy là “tháng cô hồn” vì Rằm tháng Bảy là ngày “xá tội vong nhân”, lúc Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ được tự do trở về dương thế. Nhưng đâu phải chờ đến “tháng cô hồn”, những tà ma quỷ ám vẫn hiện diện giữa chúng sinh, đặc biệt giữa cơn đại dịch khốn khổ.

Trò chuyện với đứa em là người Quảng Nam đang làm báo ở miền Nam, mới nghe sốc vì trong khi bao người khốn khổ thì có những kẻ “đục nước béo cò” kiếm ăn trên xác người.

Chẳng hạn có bệnh viện tư nhân, hội nhóm bác sĩ đã “làm giá” người bệnh với quảng cáo lo xét nghiệm PCR mỗi lần 2,5 triệu đồng; 6,9 triệu/cuốc xe cứu thương chở nội thành; gọi tới tư vấn sức khỏe từ xa 2 lần/ngày trong 14 ngày cách ly phải trả 14 triệu đồng cho y bác sĩ v.v. Lòng trắc ẩn con người dường như vượt quá sức chịu đựng, phải thốt lên đau đớn!

Nghe những thông tin vậy phải bất lực mà dặn lòng rồi luật nhân quả sẽ đến. Ừ thì phải chờ nhân quả báo ứng, đã gieo nhân ắt sẽ phải chịu nghiệp quả. Quy luật nhân quả là thiên lý đã tồn tại ngàn đời. Nghiệp lực của ai thì người ấy sẽ phải tự mình gánh chịu.

Cũng như mẹ của đức ngài Mục Kiền Liên gieo nhân ác quá nhiều nên khi được con đến dâng bát cơm thì “cơm chưa đưa đến miệng đà/ hóa thành than lửa nuốt mà đặng đâu”. Ngài Mục Kiền Liên dù “thần thông đệ nhất” nhưng vẫn không cứu được mẹ ra khỏi ngạ quỷ, mà phải nhờ chư tăng mười phương tụng trì mới vớt được linh hồn mẹ.

Câu chuyện truyền thuyết như một lời răn hãy làm việc thiện, công đức. Và rằng khi thiện niệm trên khắp thế gian cùng ngưng tụ, sẽ tạo thành năng lượng của từ bi làm cảm động đất trời và cứu vớt thế gian này, cũng như ngoại trừ những bác sĩ thất đức thì còn nhiều người coi trọng y đức, đang lao mình vào tâm dịch cứu người. Đó chính là hương sen của lòng trắc ẩn, là tính người khiến loài người tồn tại.

Sen, đúng là một loài hoa thật, nhưng tồn tại trong tâm thức và quan niệm nhân sinh giữa mùa Vu Lan thường hằng là biểu tượng đạo hiếu, đạo làm người. Sen như người, lội vào vũng sình thì khó giữ mình không vướng bùn nhơ. Nàng Liên Hoa Sắc nào đã dụ bao người vào mê lộ ái tình, cuối cùng vẫn nhận ra “đời là bể khổ, tình là dây oan”.

Cho nên, giả dụ thi nhân Phùng Quán có cực đoan muốn “đuổi cổ câu thơ phản trắc” rằng “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” thì sen vẫn phải gần bùn, nhờ bùn mà sinh sôi nảy nở. Cái tinh khiết của sen là ở giữa bùn nhơ mà hướng thiện, nở ra tám cánh như chỉ tám phương trời. Như một thi nhân đã từng cảm nhận “khi mê bùn chỉ là bùn/ngộ ra mới biết trong bùn có sen/khi mê sen chỉ là sen/ngộ ra mới biết trong sen có bùn”.

Rằm tháng Bảy, lễ Vu Lan, trước những đóa sen nở muộn dưới đầm lầy nào đó được hái về thờ cúng, năm nay lại vang lên lời nguyện cầu cho đại dịch Covid qua mau. Để mẹ cha mình nếu quá vãng thì vào cõi an lạc, nếu hiện còn thì hưởng thọ, tất cả đều muốn thoát khỏi “tam đồ khổ” để tái sanh vào “cảnh thanh nhàn”.

Không biết là cây sen oga, sau 2.000 năm bị vùi lấp trong con tàu đắm ở Chi Ba mà người Nhật đã nhen giống lại và đem trồng ở Hội An giờ thế nào? Nhưng thiết nghĩ, sau mỗi mùa Vu lan, thường là những hạt sen già khô đi, rụng xuống, vùi trong bùn đất mà ủ ấp câu chuyện tương lai được nẩy mầm thành ngó sen, cây sen. Đức kiên nhẫn ấy như ngầm nói về cách thế ứng xử, luôn hướng đến tâm thiện dù bao nhiêu gian khó đang bão bùng thực tại.

NGUYỄN ĐIỆN NAM