Dấu nằm còn đây!...

NGUYỄN ĐIỆN NAM 15/08/2021 07:31

Ghe lui còn để dấu dằmNgười thương đâu vắng dấu nằm còn đây                                                     (Ca dao)

Gửi cho bạn quê xứ Hà Đông đi xa một bức ảnh phong cảnh thành phố Tam Kỳ, thì nhận lại lời nhắn “bình yên quá!”. May thật, qua mấy đợt dịch, rục rịch vài lần giãn cách xã hội nhưng Tam Kỳ có ít ca nhiễm Covid, là mừng.

Rồi tự dưng cắc cớ hỏi thành phố đáng sống là gì, nơi hạnh phúc là sao… Bàn thế nào cũng khó rốt ráo, nhưng quả thật giữa thời dịch giã này nơi nào còn bình yên chim hót là may, là thèm được sống an lành vậy, là có hơi ấm bàn tay, có hơi người.

Có bao lời hay ý đẹp giúp cho Tam Kỳ giữ được hơi thở lành? Đừng chủ quan mình là “vùng xanh” mà lơ đãng việc phòng bị. Bởi ai bảo vệ và kiểm soát được hơi thở sẽ kiểm soát được cuộc sống, hơi thở là nhịp sống, nhịp thở là quê hương.

Nên đành bỏ lỡ dịp tụ hội con dân Hà Đông tha phương về xứ sở trong dịp tròn 115 năm phủ lỵ và 15 năm thành lập thành phố.Tam Kỳ đã nín thinh, sẽ còn nín nhịn nỗi thèm hội hè đông đúc hơi người để bình yên lâu lâu chút nữa.

Nhưng giữa ngày thu tới vắng lặng và nắng còn nung rát, trong “khí trời u uất hận chia ly” của mùa dịch vây quanh, sẽ làm gì để chảy theo dòng lịch sử của thành phố thủ phủ Quảng Nam?

Thì hãy thao thức với  “dấu dằm” cha ông còn vương trên những cánh đồng, con đường, dòng sông, ngọn núi,… đã, đang và sẽ làm “túi khí” sinh thái cho một nơi từng được vinh danh là thành phố phong cảnh châu Á.

Tam Kỳ cần tập trung rà soát, quy hoạch các phân khu phát triển để làm nền cho định vị dáng đứng tương lai. Thời gian có lẽ sẽ mất hết nhiệm kỳ này để làm những con đường nối dài đông tây, khai thông và khớp nối các khu dân cư, chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại và văn minh hơn.

Hệ sinh thái bao trùm các dòng sông Tam Kỳ, Bàn Thạch, sông Đầm, ba ngọn núi và các cánh đồng, những con đầm mênh mông lau sậy và sen. Giữ làm sao để từ ấy xanh lên, có những công trình hiện đại nhưng vẫn đẫm hương sắc của nông thôn làng quê đẹp. Cũng chẳng có gì phải hẹp hòi mãi trong tiêu chí chưa đạt về dân số, mấy trăm nghìn người thì đã sao?

Chẳng phải đã có nơi đông đúc mà nhiều dân nhập cư lao động bấp bênh, họ đã tháo chạy trên con đường hồi hương để trốn dịch? Nên với chiều kích đời sống khác lạ trong cơn đại dịch thế kỷ này cần nghĩ về hơi thở mới của những thành phố vệ tinh, nơi sẽ không cần dân đông mà cần chất lượng cuộc sống.

Vô tình lục tìm được bức không ảnh của Tam Kỳ, nhìn đoạn đường qua chùa Đạo Nguyên cách đây hơn nửa thế kỷ mới thấy “dấu dằm” của sinh thái phố trong làng. Còn cái “dấu nằm” của người thương nào đấy ở chỗ bây giờ là trụ sở Báo Quảng Nam hồi xưa đó rải rác các ô vuông chen lẫn ruộng đồng và cỏ.

Rồi nào là sân vận động rộng thênh thang giờ đã xây lên ngân hàng, bưu điện, trung tâm văn hóa, trụ sở các cơ quan của tỉnh. Rồi xuôi theo Phan Châu Trinh qua bến xe cũ in dấu hàng thầu đâu, vào tới chợ Vạn, chợ Tam Kỳ, qua bao sóng phế hưng đã làm mất đi nhiều dấu vết nhưng hình thành cả dãy phố khang trang.

Nhìn và so sánh dọc ngang những đàng đi bộ, nhà phố, nhà ga, thấy ra vô số trải nghiệm trong không - thời gian đời người biết bao đổi thay từ một xã lên thị trấn, thị xã và giờ là thành phố loại II.

Theo dấu đất đai mà ngẫm lại dấu người. Tam Kỳ qua biến thiên lịch sử đã hội tụ dòng máu con dân Chàm, Việt, Hoa,… nội ngoại tỉnh đều có cả. Người thương xưa dù đã vắng nhưng “dấu nằm” còn đây, nên hãy nhấp chén trà mang hương núi sông mà thưởng lãm cho sảng khoái để bàn điều chính đáng làm trong sáng hơi thở làng xưa - phố nay vậy.

NGUYỄN ĐIỆN NAM