Công bằng với cái chết và sự sống
Không khí ai cũng có quyền được hít thở.Ăn ở ai cũng cần điều kiện thụ hưởng.Đường sá ai cũng có thể đi qua…
Nhưng thời Covid hoành hành đã xáo trộn tất cả, phân ly nhu cầu và quyền lợi - kể cả những thứ tưởng đương nhiên kể trên, để sắp xếp một trật tự mới có thể công bằng với người này ở chỗ này mà bất công với người khác ở chỗ khác.
Xao xác nhất hiện tại là phân ly chưa từng có trong sự sống và cái chết.
Người viết bài này vừa đi viếng tang một cụ ông 90 tuổi ở Đại Lộc - Quảng Nam. Qua vài chốt chặn, đến đám tang thưa vắng người nhưng kể ra cũng được ấm vì con cháu người mất phần lớn ở trong làng tới lui hương khói được. Có người chép miệng thế là phúc rồi, chứ như người ở tâm dịch hay bị Covid quật ngã thì rã rời.
Bởi nghe đâu đó có chuyện người chết vì Covid cô đơn không người thân bên cạnh, không bà con tiễn đưa, buộc phải chở xác đi thiêu rồi nhờ người nhận giùm lọ tro cốt về nhà, thật là ớn lạnh!
Kẻ được trống chiêng người khiêng đưa tiễn, người thì cô quạnh không cờ đèn kèn trống, làm sao cho công bằng như câu “chết rồi ai cũng như ai”? Nhiều năm dài về sau, nỗi đau và sự ám ảnh của người thân về chữ hiếu, nghĩa tử là nghĩa tận với người đã khuất sẽ còn day dứt.
Cái chết dù ray rứt cũng không bằng sự sống đang bao phủ nhiều ước mong bình thường mà khó đáp ứng. Như cái sự hít thở, lo sợ thiếu bình ô xy ở các bệnh viện dã chiến, ở các ca nhiễm Covid thể nhẹ chuyển qua nguy cấp tại nhà. Người có điều kiện lo xa sắm máy tạo, bình chứa ô xy, còn hàng trăm ngàn dân lao động tạm cư ở thành phố biết dựa vào đâu? Vậy nên nghe có “ATM ô xy” trợ giúp thì mừng hơn cha chết sống lại.
Công bằng cũng không thể rải đều cho những ai sống trong và ngoài vùng phong tỏa. Tắc đường phân phối hàng hóa đã từng xảy ra, nên cái phiếu đi chợ, luồng xanh chở hàng gặp phải nhiều rắc rối bất tiện. May mà có những ứng biến kịp thời khi nhiều nơi hình thành các đội “Shipper xanh”, rồi bưu điện cũng vào cuộc giúp chở rau hành củ quả, thịt cá, gạo mắm… đến cho dân.
Câu chuyện đang rần rần dư luận xã hội là sự lựa chọn tiêm vắc xin. Muốn trở lại nhịp sống bình thường thì phải mau chóng phủ sóng vắc xin đến 75-80% dân số, nhưng kẹt nguồn khan hiếm nên Việt Nam tìm đủ mọi cách thương lượng đàm phán với các đối tác nước ngoài, tất yếu dẫn đến tình trạng “năm cha bảy mẹ” loại hàng, lại không tương đồng về đánh giá tác dụng. Vậy nên tiêm cho người này loại của Mỹ, tiêm cho người nọ loại của Trung Quốc là nổi lên ý kiến cho rằng không công bằng.
Thăng bằng cảm xúc cộng đồng là việc khó, bởi việc lựa chọn phụ thuộc tâm lý và niềm tin của mỗi người. Thực tế, như PGS.TS Vũ Minh Phúc nhận xét trên Vietnamnet, rằng “không chỉ người dân mà thậm chí cả lãnh đạo, người nhà của lãnh đạo đều thích hay không thích một loại thuốc của một công ty hay quốc gia nào đó”. Để dân chúng tin trước hết cần lãnh đạo làm gương, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh là “một cán bộ muốn có uy thì rất dễ tạo ra nhưng muốn có tín thì rất khó xây dựng”, nên phải dùng chữ tín để thuyết phục, không chỉ ở việc lựa chọn vắc xin mà còn nhiều thứ khác trong đời sống.
Công bằng còn ở chuyện bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân trong khuôn khổ luật pháp quy định. Dĩ nhiên chỉ có thể đạt sự công bằng tương đối, nhất là cơ hội tiếp cận được tiêm vắc xin, ai ưu tiên, ai chờ đợi tới lượt đều phải theo lộ trình minh bạch và xã hội đồng thuận.
Tìm sự công bằng, ít ra cần đối xử như nhau đối với những cái giống nhau và không như nhau đối với những cái không giống nhau.
Tìm sự công bằng, trước khi chết thì phải dựa vào nhau để sống!