Giữ bờ đê sức khỏe tâm thần

NGUYỄN ĐIỆN NAM 25/07/2021 06:02

Nhiều người đã nhìn thấy hình ảnh 4 mẹ con đi xe đạp từ phương Nam về quê. Lại thấy cả đoàn người làm thợ ở Quy Nhơn cuốc bộ đường dài về Ba Tơ. May mắn những người ấy được các nhà hảo tâm giúp đỡ bớt phần vất vả. Và cuộc ma ra tông chạy khỏi vùng dịch, thấm nước mắt xót xa, đã làm vỡ òa con đê cảm xúc buồn thương phận đời lưu lạc tha hương.

Còn vương đây chút nắng ấm tình người khi bắt đầu thấy những chuyến xe, tàu hỏa, chuyến bay lên đường vào Sài Gòn đón bà con đồng hương. Quảng trường ở thủ phủ tỉnh lỵ Quảng Nam sáng lên hình ảnh đoàn xe khởi hành, có ai đó lén thầm gạt nhanh giọt nước mắt trong nỗi chờ mong gặp lại người thân yêu.

Rất nhiều chiều cảm xúc đã ùa đến mọi ngóc ngách đời sống những ngày này.

Rồi Quảng Nam lại chốt chặn...

Rồi Đà Nẵng lại giãn cách...

Hàng loạt quyết sách đưa ra, văn bản chồng lên văn bản. Những cuộc gọi liên hồi hoảng loạn hỏi chuyện ra - vô, vô - ra, người đi ra hỏi có được vô, người đi vô hỏi cách ly thế nào. Ồn ào và kẹt cứng ở các chốt chặn. Tâm lý căng thẳng thấy rõ. Cho nên cái gì đụng đến mưu sinh là đỏ mắt, nhói lòng.

Vi rút gây dịch thì vẫn chạy lòng vòng đâu đó, đuổi theo mệt nhoài. Những bờ đê ẩn ức bên ngoài và bên trong khu vực cách ly cũng đắp cao dần lên, ngộp thở. Đáng sợ chưa hẳn vì cái đói, cái bệnh, mà có cảm giác ngày một nhiều lên biểu hiện hội chứng rối loạn sức khỏe tâm thần. Điều này không nói khơi khơi mà phải dẫn ý kiến chuyên gia.

Thì đây, GS-TS-BS. Cao Tiến Đức, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 nhận định: “Covid-19 là một sang chấn nghiêm trọng tác động đến tâm lý con người khiến người ta dễ mắc các rối loạn về tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress sau sang chấn”. Những lo âu, căng thẳng, sợ hãi mất việc làm, cơm áo, sợ lây bệnh, sợ trầm cảm vì cách ly… khi mắc bệnh thì suy hô hấp, tổn thương não. Các triệu chứng đó nếu không có liệu pháp phòng ngừa, chữa trị, e di chứng sẽ còn dài.

Có hiện tượng tiêu cực là khi vi rút corona không ngừng biến thể và phát tán, lây lan dịch bệnh, thì con người lại tự tạo ra thêm các loại dịch hại khác như “dịch tin giả” và “dịch diễn giải lung tung về chính sách”.

Tin giả thời nào và ở đâu cũng có, nhưng kinh khủng là trong khi xã hội đang rối bời thì có những kẻ chuyên sản xuất để tung ra, như hình ảnh dịch ở Indonesia đem gá qua Sài Gòn làm bà con hoảng loạn. Rồi có kẻ “rảnh” liên tục rình mò sai sót nhỏ trong phòng chống dịch, trong từ thiện hỗ trợ, để tạo xì căng đan câu view mà chẳng lên tiếng xây dựng điều tốt đẹp gì.

Thêm nữa là chuyện bánh mì không phải là thực phẩm, “ông ngoại” giúp tiêm vắc xin,… làm cho niềm tin lung lạc. Ngạc nhiên và sợ là cách diễn dịch chính sách rất có vấn đề ở nhiều nơi, nhiều cấp.

Quan ngại là sự hấp tấp, sự lệch pha từ chỉ đạo cấp trên đến cấp dưới, tới cấp thực thi cuối cùng thì nhiều chính sách đã được diễn giải dựa trên năng lực và đôi khi theo ý muốn của người thực hiện. Do vậy, nếu gặp phải người thực thi chính sách mà có tánh hách dịch, cửa quyền, hiểu biết nông cạn sẽ gây thêm hoạn nạn cho dân.

Muốn giữ bờ đê sức khỏe tâm thần vững mạnh rất cần “kháng thể” với các loại vi rút gây hại nói trên. Thực tế đã có khuyến cáo từ WHO. Việt Nam cũng có cả chiến lược chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhưng trong tình cảnh rối ren hiện tại, chắc khó ai lo chu đáo cho ai được mà mỗi người phải tự mình tính cách phòng bị.

Chuẩn bị tâm lý thích nghi và ứng biến với mọi hoàn cảnh, tự giải tỏa những ẩn ức - stress, bằng cách hấp thụ những năng lượng tích cực, lan tỏa yêu thương, chính là con đường làm cho bờ đê ấy không bị vỡ vì những tổ mối gây rối.

NGUYỄN ĐIỆN NAM