Hạnh phúc, đơn giản là được trở về nhà
Đôi khi ngẫu nhiên bản nhạc, bài thơ nào đó lại trùng hợp với hoàn cảnh thực tế cuộc sống đến lạ lùng. Ví như bài hát “Đi về nhà” của chàng trai trẻ Nguyễn Đức Cường (hay gọi Đen Vâu):
Hạnh phúc chỉ đơn giản là còn được về nhà
Hạnh phúc, đi về nhà
Cô đơn đi về nhà
Thành công, đi về nhà
Thất bại, đi về nhà
Mệt quá, đi về nhà
Mông lung đi về nhà
Chênh vênh, đi về nhà
Không có việc gì vậy thì đi về nhà…
Những ngày qua có lẽ tâm trạng ở nhiều người cũng vậy khi hướng về TP.Hồ Chí Minh, nơi những người con quê hương mình mắc kẹt vì dịch Covid “ở trỏng”. Đường dây nóng của Báo Quảng Nam cũng nhận được không ít cuộc gọi hỏi đường về nhà thế nào, cách ly ra sao. Ban đầu thì ga tàu, máy bay còn dễ, sau dần bị chặn, nghe những người trẻ đi làm ăn xa gọi tới tấp mà nghèn nghẹn hỏi làm sao về được nhà, quê nhà có làm khó chi không.
Giữa cơn oi nồng đầy tâm trạng bức bí như thế, chợt như có làn gió mát mẻ khi nghe Bình Định rồi đến Quảng Nam, Đà Nẵng, Gia Lai… lên kế hoạch đưa những người con của quê mình đang gặp nhiều khó khăn ở TP.Hồ Chí Minh trở về.
Quảng Nam ngay lập tức kết nối với Hội đồng hương, xây dựng phương án hỗ trợ ban đầu cho trường hợp bị ngặt nghèo, dĩ nhiên với 2 tỷ đồng không là lớn nhưng “một miếng khi đói bằng cả gói khi no”.
Theo ước tính hiện tại có khoảng 32.000 người Quảng Nam lao động tự do tại TP.Hồ Chí Minh. Hội đồng hương Quảng Nam dự tính có khoảng 10.000 người đăng ký được đón trở về quê.
Đường về quê sẽ bằng những chuyến xe nghĩa tình và chắc chắn phải được đảm bảo các điều kiện y tế phòng chống dịch. Người về sẽ phải cách ly, theo dõi sức khỏe, và phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch, không thể đi lại lung tung tạo nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Tuy vậy, còn hơn trông đợi, rồi người con đi xa sẽ được về nhà với cha với mẹ, với người thân.
Đường về quê hẳn cũng sẽ có những trục trặc với không ít người, bởi họ đang dang dở công việc mưu sinh, bám trụ tìm kiếm cơ hội đổi đời nơi thành phố năng động nhất nước, dù có lúc “tiếng thành thị thường lấp lánh, đêm thành thị thường trơ trọi”. Khi ấy, ở phía quê nhà, mẹ già chờ con mỏi mòn thì người con phải biết làm sao?
Tâm trạng đó quả không thể hóa giải trong điều kiện dịch giã vây bủa khắp nơi. Vậy nên thật đồng cảm với lời nhắn gửi của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường, rằng “bà con hãy bình tĩnh, không hoang mang dao động, hội đồng hương, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam luôn ở bên bà con. Nếu ai không về được, gia đình khó khăn, cha mẹ già neo đơn thì cứ điện về, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ giúp đỡ trong thời điểm này, tỉnh sẽ chỉ đạo cho các hội đoàn thể chăm lo”.
Động thái của chính quyền các địa phương sẵn sàng đón con em đồng hương về quê nhà, ngay lập tức được báo chí và mạng xã hội ngợi ca. Nó cho thấy năng lượng tích cực có thể được sinh ra từ cái tâm hướng đến những điều tốt đẹp với sự chia sẻ, cảm thông.
Nó có thể là hạt giống cho mùa sau gieo trồng những điều thiện lương khi nghĩ về quê hương, bổn xứ. Cho nên dẫu còn khó khăn chất chồng nhưng hành động kịp thời tạo điều kiện đối với người lao động, làm ăn xa được trở về quê nhà sẽ lan tỏa thương hiệu nghĩa tình của vùng đất – con người.
Dù chưa ai có thể nở nụ cười khi hàng trăm ngàn người đang còn cách ly để phòng chống dịch, nhưng mong sao không bao giờ có sự cách ly với cái tình. Và hạnh phúc rồi sẽ đến, ở lại giữa chúng ta khi ai cũng được trở về nhà!