Lạc trôi qua những dòng sông khác
Xin tạm gác qua bên những dòng trạng thái bực bội, tức tối trên báo chí và mạng xã hội với sự “cố chấp” tổ chức một kỳ thi cuối cấp THPT trong bối cảnh dịch giã lây lan. Lòng người bỗng lạc trôi sang những dòng sông khác từ gợi mở của một đề văn nhiều trắc ẩn…
Thường kỳ thi nào đề môn Văn cũng được nhiều người quan tâm, bởi dễ tạo nên những cơn sóng xao động tâm hồn. Ở đây, ngoại trừ bài thơ Sóng (Xuân Quỳnh) quá quen (nhưng không dễ cho học sinh tuổi 18 cảm nhận tận cùng nỗi niềm thân phận đàn bà và khát khao tình yêu vô bờ của nữ nhà thơ), thì trong đề bài có câu chuyện về dòng sông có vẻ lý thú.
Từ đoạn trích trong tác phẩm “Bí mật của nước” (Masaru Emoto, NXB Lao động, 2019), có nhiều điều để “đọc hiểu” về khởi thủy của một dòng sông, món quà tặng cuối cùng của nước, rồi liên tưởng để nghị luận về dòng sống đời người, về lẽ sống và sự cống hiến…
Điều thú vị và cũng là cái khó đề bài sẽ rơi vào chỗ liên tưởng từ hình tượng dòng sông đến dòng sống cuộc đời - một ẩn dụ không có đáp án duy nhất.
Nếu chưng cất cái đẹp văn chương bằng sự hiểu của học trò ở tuổi trinh trắng, khi cuộc đời chưa mang nặng nhiều nỗi suy tư, có thể sẽ cảm nhận được những vẻ đẹp của dòng sông thực và biểu tượng, cùng bài học mang tính giáo huấn việc làm người. Rằng, nước và dòng sông đã mang tặng những châu thổ mênh mông phù sa.
Rằng, những dòng sông đã đi qua bao nền văn minh và văn hóa, chứng kiến và tích tụ bao vui buồn nhân sinh. Rằng, trong dòng chảy đời mình, con người từ bình minh lịch sử đến hiện đại luôn phải nếm trải nỗi niềm hỉ nộ ái ố qua thác ghềnh sinh, lão, bệnh, tử, nhưng điều còn lại sẽ là tình cảm nhân văn và sự dâng hiến.
Rằng, biến nghĩa nữa của hình tượng nước, sông và biển, không chỉ là sự cống hiến vô bờ mà còn ở cách thế ứng xử khi nhanh khi chậm, lúc yếu lúc mạnh, đi như là trôi, là mải miết, đoạn cuộn xiết, quãng êm ái,… Ý nghĩa sau cuộc hành trình ấy là hướng đích, tìm thấy chính mình, vượt lên chính mình, rồi từ mình đến cuộc đời rộng lớn bằng cho đi và nhận phù sa, vừa tận hưởng vừa tha thiết với sự sống.
Thật đẹp và sống động với tuổi đôi mươi đời người mang theo hoài bão ấy. “Bí mật của nước” nhắc gợi sâu thêm cho các em cảm thức chân thiện mỹ, lúc sắp bước đi dài vào giai đoạn trưởng thành. Và như thế, cảm thụ ý nghĩa từ tác phẩm văn chương có thể biến thành một năng lượng tích cực cho các em.
Dừng đấy thôi!
Như đã mở bài, giờ xin lạc đề để lạc trôi theo những dòng sông khác. Người lớn đang nghĩ gì với dòng chảy cuồn cuộn của đời sống hiện nay? Bày trước mắt đó là cơn đại dịch thách thức cả nhân loại, đã lấy đi cả dòng sông đầy nước mắt. Nhưng nhiều nước Âu Mỹ dường như đã giải được nút thắt phòng chống dịch rồi chăng?
“Em cũng không biết nữa”, chỉ thấy những sân bóng của họ giăng giăng người đông nghịt mà thèm. Còn ở ta đây, sau những hồi “ngạo nghễ”, giờ lại ê mình lao vào vòng xoáy mới với dịch tái phát. Từ cư dân sông Sài Gòn, Bến Nghé, Đồng Nai đến những dòng sông khác phải giãn cách, cách ly. Người đi và về từ vùng dịch bị ngăn trở; dòng sống, dòng mưu sinh bị đảo lộn, sông Hương khó dễ đón người Huế tha hương về cố xứ...
Bỗng dưng tư lự khi đọc lại bài thơ “Phương Nam, khúc ca phiêu dạt của khóm lục bình” của Đynh Trầm Ca, một nhà thơ xứ Quảng. Ai người Quảng, người Huế, người Nghệ,… đã từng phiêu dạt vào phương Nam chắc thấy:
“Trôi đó đây
Rải rác
Những mảnh đời ngơ ngác tha hương”...
Vậy hãy “đọc hiểu” mà thương người Sài Gòn, nơi đất và người hào sảng chở che bao lao động nghèo tứ xứ hội tụ mưu sinh. Đúng rồi, “lục bình vừa trôi vừa trổ bông” nên cần thấu cảm và cầu mong:
“Xin cám ơn những dòng-sôngkhông-bao-giờ-ngăn-cách
Những Lục Vân Tiên trong khí phách con người”.