Tìm về di sản của cha ông
Năm nay do đại dịch Covid-19 mà nhiều hoạt động kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam không tổ chức được.
Buồn tẻ.
Thủ phủ tỉnh lỵ - Tam Kỳ cũng ngưng nhiều hoạt động kỷ niệm 115 năm phủ lỵ Tam Kỳ, 15 năm thành lập thành phố theo Nghị định 113/2006 của Chính phủ.
Vắng vẻ.
Giữa bao tâm trạng âu lo, buồn bã vì đại dịch ảnh hưởng mọi mặt đời sống, có lẽ chút an ủi cõi lòng con dân xứ đất này chính là sự ngưỡng vọng và tìm về di sản của cha ông, bằng cách thức khác với các ấn phẩm văn hóa. Cùng với nhiều cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh, Báo Quảng Nam đã liên tiếp mở các chuyên mục, chuyên trang với chủ đề “550 năm danh xưng Quảng Nam”.
Qua hai đặc san Xuân Tân Sửu và 21.6, cũng như chuyên mục thường xuyên trên báo Quảng Nam điện tử, đã thu nhận nhiều bài báo có sự khảo cứu công phu, gợi nhắc công đức tiền nhân đi mở cõi, dựng làng, lập ấp, gầy dựng các giá trị vật thể và phi vật thể để lại cho con cháu hôm nay.
Nhìn vào việc đăng tải các tư liệu quá khứ, sẽ có người nghĩ rằng lẽ ra báo chí phải quan tâm phản ánh đời sống hiện tại chứ không nên mãi nhắc các giá trị dĩ vãng. Không sai. Chức năng chủ yếu của báo chí vẫn là mô tả các câu chuyện thời sự. Thì đấy, báo chí hàng ngày vẫn ngồn ngộn các bản tin phòng chống dịch, về chứng khoán, việc làm, hàng hóa…
Nhưng phải chăng như thức ăn không tiêu hóa nổi, dường như người ta dễ bội thực với những cuộc truy tìm dấu vết lây lan dịch, các nhân vật như kịch sĩ múa may khóc cười trên sân khấu cuộc đời. Phía chiều rơi tâm tưởng u sầu sẽ tìm chỗ trú ngụ nơi đâu nếu không phải là di sản ký ức của vùng đất con người mà ta quan tâm?
Vậy nên trong những ngày nhiều nơi phải giãn cách xã hội, hoặc cách ly nghiêm ngặt, ngoài việc phản ánh đời sống thực tại, tưởng cũng nên nhặt lại những thỏi vàng xa xưa trong di sản ký ức, như với hành trình 550 năm danh xưng Quảng Nam.
Điều đó có gì là không phải ngoài chuyện nghe thời sự? Rất cần tư lự khi đọc những dòng suy tưởng này: “Con người dù bất cứ ở thời đại nào cũng đều mang trong mình những ký ức của thời đã qua, những ký ức đó đọng lại trong tâm thức để trở thành cái gọi là di sản và truyền thống. Chính qua những ký ức mà con người cảm nhận được lịch sử” (Những di chỉ của ký ức (Les lieus de mémoire) - Pierre Nora).
Quan niệm đó của Pierre Nora có lẽ khá gần định nghĩa mà UNESCO nêu ra: “Ký ức thế giới là những hồi ức của các dân tộc trên thế giới được chọn lọc và ghi lại bằng tư liệu, ghi lại sự phát triển về tư tưởng, những khám phá và thành tựu của xã hội loài người. Những di sản tư liệu này đại diện cho một bộ phận lớn di sản văn hóa thế giới. Đó là di sản của quá khứ để lại cho thế giới trong hiện tại và tương lai”.
Một ví dụ cho việc lo chuyện ngày mai, tương lai của Tam Kỳ. Thành phố trẻ này đang và sẽ định vị bức tranh đô thị hóa mạnh mẽ hơn. Còn hiện tại thành phố đối mặt với bao lo toan, từ đối phó với dịch bệnh, đến cơm áo gạo tiền, đầu tư phát triển đô thị. Nhưng thành phố cũng cần sưu tầm và giữ kho tư liệu ký ức lịch sử, văn hóa của vùng đất vậy.
Nên vui thay tuần này UBND thành phố Tam Kỳ vừa tổ chức hội thảo về công trình khảo cứu làng xã Tam Kỳ từ thời mở nước về phương Nam đến đầu thế kỷ XX. Quy mô hội thảo vừa đủ đảm bảo an toàn phòng dịch mà bàn được chuyện khá lý thú với những người quan tâm việc bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa của “vùng lõi” trong phủ lỵ, trung tâm Hà Đông xưa.
Một mai, có thể Tam Kỳ chưa giàu mà đã già, nhưng di sản ký ức tốt đẹp của cha ông để lại vẫn mãi luôn cần ý thức giữ gìn.