Hè rơi trong đợi chờ...
Đã giữa hè rồi, Tết Mùng Năm rồi, mà lạ thay không nghe nhiều tiếng ve trên những con đường quen ở Tam Kỳ, tỉnh lỵ Quảng Nam. Những đứa trẻ nghỉ hè trong thinh lặng. Nắng dữ rồi kéo theo mưa dông, không đủ thỏa cơn khát đợi chờ…
Người nào mang cái nhìn đầy tâm cảm đừng nên nói lơ mơ về kế hoạch tháng hành động vì trẻ em. Hãy chịu khó đọc báo sẽ thấy cần làm gì sau những dòng này: “Việt Nam đã có hơn 4.000 trẻ bị cách ly tập trung và không có người thân bên cạnh đến thời điểm này. Dù không có thống kê nào về tình trạng tinh thần của các em, tôi e ngại số trẻ bị ảnh hưởng tâm lý cũng không nhỏ” (BS Phạm Minh Triết, nguyên Trưởng khoa Tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng I, TP.Hồ Chí Minh).
Covid hại đến thế, thèm biết bao nhiêu vòng tay ôm trẻ nhỏ đâu chỉ có trong những khu cách ly? Còn ở phía những gia đình công nhân trong các khu công nghiệp từ Bắc Ninh, Bắc Giang đến TP.Hồ Chí Minh, chỉ cần cha hay mẹ dính ca nhiễm là con trẻ xao xác.
Phía các bác sĩ, nữ điều dưỡng đi vào vùng dịch, con thấy mẹ trên truyền hình khóc ngằn ngặt đòi bồng, xót xa nước mắt rơi trong thinh không! Phía những đứa trẻ thơ mùa hè ôm TV hay điện thoại mà lướt mạng. Trong khi đó những “đứa trẻ lâu năm” nằm nghe người lớn chửi bới nhau cho tan đàn xẻ nghé, cho tắt tiếng những “ve nghệ sĩ” vĩ cuồng, ngạo mạn, thất tán nhân tâm.
Vậy nên không chỉ là thử thách của nỗi đợi chờ bao giờ có vắc xin tiêm ngừa Covid cho toàn dân. Phải chăng thứ đang cần là vắc xin để phòng hội chứng rối loạn tâm lý tâm thần? Phải chăng thứ đang khiến bước chân con người loạng quạng là nỗi sợ hãi về cái chết? Phải chăng…
Nghĩ cũng chẳng cần phải hỏi lăn tăn nữa, cái gì đến sẽ đến. Bệnh dịch đâu phải lần đầu loài người đối mặt. Trong cuốn “Cái chết đen, 1346-1353: Lịch sử hoàn chỉnh”, tác giả Ole Jorgen Benedictow ước tính 50-60% dân số châu Âu đã bị xóa sổ trong “cái chết đen” do dịch hạch. Vào năm 1918, đại dịch cúm do một chủng virus H1N1 gây ra, còn gọi là “cúm Tây Ban Nha”, đã làm 500 triệu người, tương đương 1/3 dân số thế giới lúc bấy giờ mắc bệnh và khoảng 50 triệu người đã tử vong.
Rồi một chủng mới virus cúm A/H1N1 đã làm 575.400 người trên thế giới tử vong trong vòng 4 tháng năm 2009. Rồi dịch HIV/AIDS khiến 32 triệu người chết. Rồi mỗi năm có khoảng 2,9 triệu người mắc bệnh tả, trong đó 95 nghìn người tử vong; hiện tại bệnh tả vẫn xuất hiện tại hơn 47 quốc gia trên thế giới…
Không thể kể hết những lần dịch giã vây bủa nhân loại. Dường như đời người và vạn vật đều chịu sự chi phối của quy luật “sinh – trụ - hoại – diệt”, hay “thành - trụ - hoại – không”. Vấn đề là quán chiếu sự vô thường đó, ai ý thức được cái gì tốt đẹp đang có ở phút giây hiện tại mà chăm sóc, vun tưới, nuôi dưỡng, là tạo hóa ban thưởng “kháng thể” cho tâm hồn người ấy. Như Tết Đoan Ngọ này, thấy đâu đây vẫn thơm nồng vị lá mùng năm, vị bánh tro… ai có nhiều thì hãy đem san sẻ tiếp vận cho trẻ em, bác sĩ trong các khu cách ly.
Những gì đợi chờ đôi khi không lớn lao như câu chuyện làm thế nào để mau có vắc xin xuất khẩu, mà nên thương bể dâu đời sống quanh mình, góp ít đồng tiết kiệm vào Quỹ vắc xin phòng chống Covid cho đồng bào mình.
Điều mà người nước ngoài thấy lạ là Việt Nam có thể hình thành quỹ này đầy ý nghĩa nhân văn. Nhưng người mình đâu lạ gì, trong quá khứ mỗi khi đất nước bị xâm lăng thì toàn dân kháng chiến, nay “chống dịch như chống giặc” lại sẵn sàng cống hiến dù phải đi kiếm từng đồng từng cắc.
Tưởng chẳng nên thắc mắc chi chuyện không thấy tiếng ve mùa hè. Ve sầu có mùa lột xác ẩn mình trong lòng đất, đợi thời gian cất tiếng tái sinh.