Thần y, thần dược, thần tượng và thần...điêu!

NGUYỄN ĐIỆN NAM 30/05/2021 04:54

Lần lượt thần y, thần dược, thần tượng bị bóc mẽ bởi các “thánh chém”, “thánh chửi” chỉ ra những điều điêu ngoa giả trá. Xã hội bung xung cả lên. Văn hóa tiếp nhận có cơ rơi tự do, mất thăng bằng do hiệu ứng đám đông cuồn cuộn lôi người ta đi.

Hiện tượng nóng là bà Nguyễn Phương Hằng, vợ của ông Dũng “lò vôi”, chủ khu du lịch Đại Nam nổi tiếng, lôi hết thần y, rồi đến thần tượng trong giới nghệ sĩ ra chửi. Theo bà Hằng, đó là những thần... điêu (hiểu là điêu toa giả trá, lừa bịp)!

Livestream của bà Hằng ngày 25.5 phủ sóng mạng xã hội và còn râm ran nữa. Hiếm ai đủ sức như bà độc thoại và chửi gần ba tiếng đồng hồ mà có tới khoảng 600 nghìn lượt người xem trên nền tảng mạng xã hôi, chưa kể người theo dõi TV

Hiện tại, không có kênh truyền thông báo chí nào trong nước đạt tốc độ lưu lượng người xem chóng mặt thế. Đó là do bà Hằng đánh vào mấy điểm: chỉ ra những kẻ điêu toa dựng lên thần y, kẻ quảng cáo thần dược để lừa dối đồng bào, làm thiệt hại cho dân, nhất là người nghèo; đặt ra trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ, người của công chúng trong việc làm từ thiện và quảng cáo sản phẩm tiêu dùng; về những ngộ nhận, sai lầm mà ai cũng có thể mắc phải khi “tạm ứng niềm tin” mê tín thần y, thần dược, thần tượng.

Cách nêu vấn đề bằng ngôn từ đốp chát, điểm mặt, chỉ tên, bắt tận tay, day tận trán, khiến cho những người hiếu kỳ, đặc biệt là giới bình dân vốn đã ngán xảo ngôn hay những lời hoa mỹ có cánh, càng tò mò, khoái trá. Màu sắc của chủ nghĩa dân túy càng làm câu chuyện thêm nhiều kịch tính, khiến cho báo chí chính thống cùng các nhà quản lý truyền thông lúng túng, rụt rè khi đưa ra nhận định tình hình.

Sự đúng sai trong nội dung tố cáo của bà Nguyễn Phương Hằng với “thần y” Võ Hoàng Yên, hay chỉ trích “thần tượng” nghệ sĩ Hoài Linh cùng nhiều nghệ sĩ khác, trước sau rồi cũng sẽ ngã ngũ khi cơ quan chức năng vào cuộc, kết luận. Điều dễ cảm giác là ai cũng có thể thành một con lừa nếu không nắm bắt đầy đủ thông tin, phân tích được nguyên nhân ta gánh nặng niềm tin lệch lạc.

Vì rằng, công lý sẽ là diễn viên hài nếu những hành vi vi phạm pháp luật không được xử lý  công minh và minh bạch.

Vì rằng, tiền bạc sẽ trở thành mục đích cuộc sống nếu tạo ra hư ảnh với các điêu thần, thì còn điều gì và nơi nào cho hạnh phúc trú ngụ.

Vì rằng, công chúng sẽ là đám đông mù quáng nếu chân lý bị thói đạo đức giả dồn đến chân tường.

Một khi nhiều chuẩn giá trị bị lệch đường đạo lý truyền thống, xã hội mất trạng thái cân bằng vì giá trị nhân văn bị đảo lộn, thực giả khó lường, thì tiếng chửi bật lên càng nhiều. Chửi từ lai rai vài người đến chửi toáng cả làng. Chửi từ người sang đến kẻ hèn. Chửi từ văn thơ như “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” mà tựa lời mắng yêu đến chửi cho sấp mặt, liêu xiêu bạt hồn nghệ sĩ, ca sĩ và nhiều giới sĩ khác. Chửi từ thằng đi ăn cướp tàn ác đến các quan chức tham nhũng.

Dường như nhiều người lửng đi điều quan trọng: chửi thì có đúng có sai, nhưng hiếm ai (hoặc không ai muốn) tìm ra ngay manh mối đủ để đối chứng làm trọng tài trên tòa án công luận, báo chí và mạng xã hội? Chúng ta sẽ xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh thế nào đây trong bối cảnh tiếng chửi có cơ đầy lên trên không gian thực và ảo?   

Trong khi đòi hỏi chức năng quản lý xã hội một cách hiệu quả của nhà nước thì sự chuyển động trạng thái của xã hội dân sự cũng rất cần xây dựng những chuẩn mực ứng xử văn hóa, văn minh. Ai sẽ làm nên điều đó, nhất là trên mạng xã hội? Tất nhiên là cộng đồng sẽ tạo ra và điều chỉnh, nhưng sẽ luôn cần vai trò dẫn dắt của những người có uy tín cả về tri thức và đạo đức được xã hội thừa nhận.

NGUYỄN ĐIỆN NAM