Doanh nghiệp nhỏ trong thời cơm áo khó

NGUYỄN ĐIỆN NAM 16/05/2021 04:30

Đứa cháu tôi làm ở một tập đoàn đa quốc gia có tầm cỡ lớn nhưng bị ảnh hưởng nặng vì dịch Covid nên “đi cũng dở ở không xong”. Trì níu suốt từ 2019 đến giữa năm 2020 thì cháu bứt ra, nhận trợ cấp thất nghiệp và thành lập một doanh nghiệp chuyên phân phối hàng gia vị. Là doanh nghiệp nhỏ vì vốn đăng ký chỉ ít trăm triệu đồng, nhưng qua gần một năm có vẻ làm ăn cũng ổn.

Không rõ có bao nhiêu lao động thất nghiệp của Quảng Nam và Việt Nam may mắn tìm được con đường thành lập doanh nghiệp như cháu tôi? Điều có thể tiên đoán là không phải doanh nghiệp nào thành lập mới cũng thành công.

Bởi vào cuối năm 2020, Tổng cục Thống kê cho biết, có đến 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm 2019. Trong số doanh nghiệp này, không ít những người mới nhảy ra thị trường bằng cách thành lập doanh nghiệp nhỏ.

Qua 4 tháng rưỡi đầu năm nay, tình hình chưa cải thiện mấy khi dịch Covid tái bùng phát, cả nước có hơn 55 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đó là con số chưa từng có trong 10 năm trở lại đây, và lao động thất nghiệp khoảng 1,3 triệu người (gộp chung năm 2020 đến nay).

Với Quảng Nam, quý I/2021 có 283 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 6,3% so với cùng kỳ; trong khi đó có 434 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tính chung từ đầu năm đến nay Quảng Nam có 576 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng gần 21,53% so với cùng kỳ 2020, chỉ số sử dụng lao động giảm 5%, tỷ lệ thất nghiệp chung toàn tỉnh 3,3%.

Rõ ràng trong thời buổi cơm áo khó vì dịch giã và nhiều nguyên nhân khác, doanh nghiệp nhỏ như thuyền thúng chao đảo, thành lập mới và giải thể trong chớp mắt. Số doanh nghiệp nhỏ giải thể nhiều là ở mảng dịch vụ du lịch, gần như điêu đứng khi du lịch đình trệ.

(Nhất là các doanh nghiệp kinh doanh mảng inbound (đón khách quốc tế vào nội địa) và outbound (đưa khách nội địa du lịch nước ngoài) đều đã tạm ngừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp không cầm cự nổi).

Còn doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng, hay mảng xây dựng dân dụng thì có thể tìm được sự tồn tại nhờ phân khúc hẹp với các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu.

Trước thực trạng nêu trên, điều quan trọng là các cơ quan chức năng cần phải thống kê và phân loại, phân tích để có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào cho hữu hiệu.

Chẳng hạn, với Quảng Nam, cần số liệu phân tích từ khoảng 8,8 nghìn doanh nghiệp năm trước nay còn bao nhiêu doanh nghiệp trụ lại ở ngành hàng, lĩnh vực nào, cần hỗ trợ gì để tiếp tục đứng được trên thị trường.

(Cũng xin nói ngay là các gói hỗ trợ trước đây triển khai quá chậm và nhiêu khê thủ tục nên tác động yếu, kể cả gói đề nghị mới đây hỗ trợ 6 nghìn tỷ đồng để giúp doanh nghiệp đào tạo lại lao động cũng trễ nãi).

Mục tiêu nhiệm kỳ trước đặt ra là có 1 triệu doanh nghiệp vào cuối năm 2020 đã phá sản và với tình hình dịch bệnh kéo dài, e rằng không dễ để đến năm 2025 đạt mục tiêu có 1,3 - 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động.

Và nên biết rằng, trong số doanh nghiệp hiện có thì doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm số đông nên sẽ biến động tăng giảm vô chừng khi thị trường bất ổn. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ ở số lượng mà còn tính đến hiệu quả.

Trong điều kiện của Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng, hiện tại và dự báo một chặng dài nữa doanh nghiệp nhỏ vẫn là “tập đoàn thuyền thúng” có thể cơ động trong các phân khúc thị trường ngách, với sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, giải quyết việc làm cho lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Thời cơm áo khó, phân tán với mô hình hoạt động quy mô nhỏ trước sức công phá bão táp của dịch giã và thiên tai diễn biến phức tạp, thiển nghĩ cũng là chiến thuật khả dụng vậy.

NGUYỄN ĐIỆN NAM