Loạn xà ngầu “thần dược”, “thần y”
Dòng đời hay gặp rất nhiều chuyện ngẫu nhiên. Cả cuộc sinh tử nữa cũng ngẫu nhiên vô thường, vô thủy vô chung. Như nhạc Trịnh suy tưởng:
Không có đâu em này
không có cái chết đầu tiên
và có đâu bao giờ?
đâu có cái chết sau cùng…
(Ngẫu nhiên – Trịnh Công Sơn)
Biết đời ngẫu nhiên là vậy nhưng người ta luôn ước muốn lâu già, vô bệnh, trường thọ. Khát vọng bất tử hoặc chí ít kéo dài sự sống dường như ngẫu nhiên gặp nhau trong tư tưởng Đông Tây kim cổ. Vì thế mà thường có chuyện đi tìm “thần dược”, “thần y”, lắm khi loạn xà ngầu như ở thời hiện tại. Và đó chính là mảnh đất màu mỡ để gieo cấy vô số quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng như “thần dược”, rồi đồn đãi về “thần y”.
Mỗi ngày xem ti vi là thấy hàng loạt quảng cáo thực phẩm chức năng, dược phẩm, dùng để… bổ đủ thứ, từ kích thích tiêu hóa, hoạt huyết dưỡng não, chống mất ngủ, chữa đau thận, thậm chí có loại giúp tăng cường sinh lý, kéo chậm thời kỳ mãn dục nam nữ...
Lên mạng xã hội lại càng thấy đầy tràn quảng cáo, PR về thực phẩm chức năng đủ loại trong và ngoài nước, thuốc bổ cho mọi lứa tuổi. Kênh Youtube thường chèn quảng cáo vào các video hướng dẫn du lịch, nấu ăn, giải trí với nhiều chuyện lạ, ca nhạc, hài hước. Còn vô số trang web được lập ra để viết bài câu like và dĩ nhiên chạy quảng cáo, thậm chí dùng cả sex để PR cho các loại thuốc và thực phẩm chức năng giúp tăng cường sinh lực.
Xem riết hồi thấy “thần dược” sao mà nhiều đến thế (?). Còn thực phẩm chức năng thì ra rả quảng cáo công dụng cũng như thuốc bổ, dù lấp lửng nói với tốc độ tên bắn rằng “đây không phải là thuốc và không được dùng để thay thế thuốc”.
Tất cả đánh vào cái tâm lý và ước muốn sống khỏe, sống lâu như đã nói từ đầu nên mong tìm “thần dược”, nhưng ai nào hay biết “cái chết đầu tiên”, “cái chết sau cùng” của những người tiêu dùng đâu đó trong xã hội nếu ngẫu nhiên thuốc bổ dùng bậy thành độc dược có hại (?!).
Đi cùng chuyện tìm “thần dược” với công năng thần kỳ là đồn đãi về các “thần y”. Cũng loạn xà ngầu đủ trình độ, đủ mọi giới, nơi đâu cũng thấy “thần y” xuất hiện. Nào chỗ nọ có ông chỉ cần bấm huyệt là chữa hết… bệnh câm, bệnh liệt. Nào chỗ kia có bà lên đồng gọi hồn, bắt tà ma mà chữa được bệnh ung thư, vô sinh, thậm chí là khỏi nhiễm… Covid. Đúng là chuyện như bịa mà có thật. Như trường hợp của “thần y” Võ Hoàng Yên.
Ông này đã bị tố giác lừa đảo, không chỉ liên quan đến vợ chồng ông Dũng “lò vôi” mà mới đây, ngay địa phương sát cạnh Quảng Nam là Quảng Ngãi cũng vừa phát hiện chuyện ông Yên về khám bệnh ở Bình Sơn. Tại đây, ông đã khám chữa bệnh cho 776 người bị các bệnh câm, điếc bẩm sinh, bại não, bại liệt... nhưng không có người nào khỏi bệnh. Tức cười mà đau thêm là UBND huyện Bình Sơn đã chi 200 triệu đồng tiền ngân sách huyện để trả vé máy bay, lo ăn ở của đoàn “thần y” Võ Hoàng Yên trong thời gian về khám chữa bệnh (!).
Còn chuyện lên đồng chữa bệnh xảy ra ở Vĩnh Phúc, đầu tháng 3, bà Nguyễn Thị Vĩnh đã in danh thiếp, đăng tải các thông tin chuyên bắt tà ma, gọi vong, chữa bệnh ung thư, vô sinh,... lên mạng xã hội để dụ dỗ người dân. Buồn cười là bà Vĩnh còn quảng cáo chữa được cả bệnh Covid với giá 3 - 4 triệu đồng trong vòng 10 ngày.
Trước hiện tượng loạn xà ngầu kể trên, ngày 30.3, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 2154 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về xử lý tình trạng loạn thông tin về “thần y” trên mạng xã hội. Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông cùng các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp.
Nếu để chuyện “thần dược, thần y” quảng cáo loạn xà ngầu thì sẽ mau tới… nghĩa địa!