Gia tài đất mẹ, nghĩ từ hạt gạo...

NGUYỄN ĐIỆN NAM 28/03/2021 07:51

Hiểu nôm na về tài nguyên bản địa: đó là gia tài của đất mẹ. Thật phong phú, đa dạng với thiên nhiên và văn hóa Việt Nam. Xứ Quảng là một phần “đất mở” trong bức dư đồ nước Việt, hội tụ đủ các vùng sinh thái núi rừng, đồng bằng, biển cả; cây lá có kỳ hoa dị thảo; nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Nhưng để làm gì với gia tài ấy sẽ là câu chuyện dài cho khởi nghiệp sáng tạo.

Xin đề cập một lát cắt từ hạt gạo bản địa.

Trong cuốn sách “con đường lúa gạo”, nhà khảo cổ học người Nhật - Otabê Tadio đã phác thảo hai ngả đường làm nên chiếc nôi thuần dưỡng cây lúa. Một đường, cây lúa canh hạt tròn, lớn đi dọc hệ Mê Kông, trong đó có nhánh sông Hồng vào Việt Nam - con đường cổ nhất.

Một đường từ Assam (Đông Ấn) với cây lúa tiên hạt dài đi qua các ngả Óc Eo, hải cảng Phù Nam, Ăng Co, Miến Điện… Lúa tiên vào Đông Dương sau nhưng lại phát triển mạnh, dần lấn át cây lúa canh, trong đó có cây lúa nếp mà người Lào cũng như người Việt đã quen.

Nếu dựa trên một nghiên cứu của GS. Phạm Đức Dương, rằng phạm vi vùng văn hóa lúa gạo trùng với văn hóa nước chè, thì cây lúa quả cũng có một ngả đường qua Quảng Nam.

Theo ngả đó, lúa canh, lúa nếp có thể  từ ngã ba Đông Dương, từ miền núi xuống nương nà rồi ra châu thổ Thu Bồn, Vu Gia… Một ngả khác, từ đầu nguồn sông Hồng về châu thổ Bắc Bộ rồi đi dần về phương Nam theo bước chân của các đoàn quân Đại Việt, từ thời Trần, Hồ, Lê, Nguyễn... 

Văn hóa lúa nếp lưu giữ trong giữ tục cúng xôi nếp vào những kỳ lễ cúng tổ tiên của người Quảng. Đồng bào ở một số vùng núi Quảng Nam cũng ăn cơm nếp như người Lào. Đặc biệt món cơm lam của người Cơ Tu còn hiện diện trong các lễ hội.

Quảng Nam không phong phú chủng loại như hai “thúng lúa” là châu thổ Bắc Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng có các loại giống lúa được truyền đời nhiều thế hệ gieo trồng.

Một giả thuyết có lý là từ xa xưa vùng Quảng có hạt lúa Chiêm, bởi đây là một trung tâm của Vương quốc Chămpa xưa. Cư dân Chàm/Chiêm mang theo hạt lúa này gieo trên châu thổ Thu Bồn, rồi những tù binh người Chàm mang theo ra Bắc làm thành vụ lúa Chiêm (?).

Còn chuyện gần hơn nhưng cũng đã qua mấy đời người vẫn truyền tụng về những giống lúa ngày xưa thường trồng như lúa hẻo, lúa lốc, lúa trì, lúa ba trăng,… Như vùng Điện Tiến (Điện Bàn) lưu lại câu ca nhắc đến lúa trì (Cá rô, chim mía, lúa trì/Ai về Điện Tiến thì đi không đành).

Gốc gác hạt lúa chỉ điểm xuyết vậy thôi đủ để nói tài nguyên bản địa là thứ đã tồn tại với giá trị lịch sử văn hóa lâu đời. Biến thiên của thiên nhiên và đời sống xã hội làm hao hụt, mất đi nhiều nguồn gen gốc, nhưng đâu đó vẫn còn những hạt – giống – mang – tính – bản địa. Có thể khởi nghiệp sáng tạo từ giá trị bản địa này không? Thật buồn là đất Việt đứng hàng nhất nhì về xuất khẩu gạo và có nhiều giống gạo chất lượng cao nhưng sản phẩm từ gạo vẫn chưa phong phú bằng nhiều nước trong vùng văn hóa lúa gạo.

Quảng Nam hoàn toàn không có thế mạnh về lúa gạo nhưng nếu biết biến những hạt gạo từ giống quý ngày xưa thành những sản phẩm bản địa hẳn cũng là lối đi khả dĩ. Vậy nên một số vùng ở Quảng đã phục tráng lúa ba trăng, như một đề tài nghiên cứu từ năm 2008 áp dụng trên miền núi Đông Giang. Gần đây thì nghe kể nhiều về lúa batoon được gìn giữ và nhân giống trên vùng Phước Sơn.

Người Quảng đã tiếp tục chế biến sản phẩm từ lúa gạo thành hàng hóa như bánh tráng Đại Lộc, bánh tráng Phú Chiêm, gạo Phong Thử, gạo lứt rẫy Cô gái Bh.nong, rượu lúa rẫy Thái Hòa - Bắc Trà My…

Chỉ nghĩ từ hạt gạo thôi đã thấy gia tài của đất mẹ để lại cho hậu thế nhiều giá trị cần giữ gìn và phát huy.

NGUYỄN ĐIỆN NAM