Cổ vũ người tốt, việc tốt
Thiện lương của con người là muốn cổ vũ cho cái tốt đẹp nẩy nở, sinh sôi.Truyền thông báo chí sinh ra cũng để làm phương tiện thực hiện mục đích ấy.
Nhưng phương tiện đôi khi làm hại mục đích nếu người ta không làm chủ được nó. Có những việc tốt được báo chí truyền thông biểu dương, khen ngợi quá lố. Lại có những việc tốt bình thường ai cũng có thể làm được báo chí khoác lên chiếc áo phi thường gây ra dư luận tranh cãi, bình phẩm đủ chiều. Có những người tốt làm việc tốt âm thầm hàng ngày nhưng báo chí lại phản ánh hời hợt vì không “sốt” như các vụ gây tai tiếng xấu. Cho nên liều lượng là điều cần quan tâm trước hết với việc truyền thông cái đẹp, điều tốt (và cả phê phán cái xấu nữa).
Quá chú ý hình thức mà xem nhẹ nội dung cũng là chuyện báo chí hay gặp. Dù có lời dặn “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nhưng không hiếm khi báo chí chỉ mô tả kỹ nước sơn lòe loẹt phù phiếm bên ngoài mà lướt qua chất lượng. Cổ nhân cũng lưu ý “Họa hổ, họa hình nan họa cốt. Tri nhân tri diện bất tri tâm (Vẽ con hổ chỉ vẽ được cái hình dáng bên ngoài của nó, chứ ai biết được cái bộ xương của nó. Nhìn vào một con người chỉ có thể biết được hình thức bên ngoài của họ, chứ có ai biết được lòng dạ họ thế nào). Tuy vậy báo chí đôi lúc không chỉ vẽ hình dáng bên ngoài mà còn “vẽ rắn thêm chân”, suy diễn áp đặt. Không hiếm người tốt làm việc tốt nhưng không giỏi nói năng thì báo chí lại “mớm lời” vẽ cho họ những phát ngôn như… nhà hiền triết.
Đề cập những căn bệnh “lộng ngôn”, “xảo ngôn” hay lỗi mắc phải của báo chí truyền thông nêu trên là để nói rằng ngay cả việc cổ vũ người tốt, việc tốt cũng cần người viết có sự chân thiện. Chỉ có sự chân thực, chính xác mới lột tả đúng vẻ đẹp của cái thiện. Chỉ có lòng thiện mới cảm nhận đúng cái thiện, cái tốt.
Dù cho tôn chỉ của nhiều tờ báo đặt ra việc “biểu dương người tốt, việc tốt” nhưng không thể nhân danh điều đó mà xâm phạm quyền riêng tư của người làm việc tốt. Thực tế có nhiều người đang làm những việc tốt một cách thầm lặng, họ muốn thầm lặng dâng hiến, thầm lặng làm những việc tử tế mà không muốn cho ai biết. Bởi vì họ quan niệm rằng “thiện dục nhân kiến, bất thị chân thiện” (làm việc thiện mà muốn cho người khác biết thì không còn là việc thiện nữa) nên không muốn đưa lên báo chí, truyền thông. Do đó, nhà báo là người chịu khó đi tìm và phát hiện những tấm gương người tốt việc tốt để nhân rộng trong xã hội, nhưng cũng phải làm sao dung hòa quyền được biết của báo chí với quyền riêng tư của dạng người tốt vừa nêu. Trong bối cảnh lòng trắc ẩn trước những cám dỗ vật chất, lối sống thực dụng, sự thờ ơ vô cảm có cơ gây nên sự chia rẽ nhân tâm hướng thiện, thì báo chí truyền thông gia tăng phản ánh về người tốt việc tốt là việc cần làm, phải làm. Nhưng biểu dương, cổ vũ thế nào để người tốt không bị rơi vào cơn lốc truyền thông làm xáo trộn đời sống bình thường của họ đó là vấn đề phải quan tâm.
Nhân đây bàn thêm về việc khen thưởng của lãnh đạo chính quyền đối với gương người tốt việc tốt. Làm sao để việc đó được thường xuyên, kịp thời. Tưởng cũng nên nhắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh thời mỗi khi đọc báo, nghe đài, thấy có gương người tốt việc tốt thì đánh dấu, ghi chú, yêu cầu xác minh và khen thưởng. Người đã bền bỉ sưu tập tác phẩm báo chí viết về gương người tốt việc tốt, từ bài “Mẹ Đăng” (Báo Phụ nữ Việt Nam ra ngày 16.2.1956) cho đến bài báo cuối cùng là “Xông vào lửa cứu xe, cứu đạn” (báo Quân đội Nhân dân ra ngày 30.12.1968). Bảo tàng Hồ Chí Minh còn lưu giữ hơn 2.000 bài báo, mẩu tin về gương người tốt, việc tốt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cắt ra từ các báo trong gần 13 năm trời. Đáng phục thay!