Giữ di sản ký ức Tam Kỳ

NGUYỄN ĐIỆN NAM 10/01/2021 03:52

Cuộc dịch chuyển dữ dội không gian sống theo đà đô thị hóa, đã khởi động hình thành các thành phố trẻ. Xu thế là trẻ thì phải tươi mới, năng động, kiến trúc tân kỳ, miễn bàn. Bên cạnh đó, ngoài những thành phố cổ, thành phố di sản lại có các thành phố “chưa cổ nhưng đã cũ” sẽ phải ứng xử thế nào? Điều này cần phải nghĩ cho Tam Kỳ, thành phố tỉnh lỵ của Quảng Nam.

Tam Kỳ từng được xem là đô hội của xứ Hà Đông, nơi có các vạn - chợ đầu mối, trạm giao thương, phủ đường… tồn tại mấy thế kỷ. Tuy nhiên di sản hàng trăm năm tuổi còn bảo tồn ít ỏi, kiến trúc đô thị cách đây chừng 85 năm còn nhếch nhác hình hài mà cụ Phan Khôi đã nhắc trong bài báo “Cảm tưởng trong khi trải qua mấy thành phố cũ” đăng trên báo Đông Tây (số 114, ngày 14.10.1931).

Theo Phan Khôi, “ai muốn đi khảo sát để cho biết cái tài kinh hoạch bố trí thành phố của đời ông đời bà chúng ta hồi trước ra sao, thì duy có tìm tới những nơi còn nguyên tích chưa sửa đổi ấy là như vạn Tam Kỳ ở Quảng Nam, vạn Thu Xà ở Quảng Nghĩa, phố Tuy Hòa ở Phú Yên, phố Ninh Hòa ở Khánh Hòa,...”. Những phố đó hiện lên “sự vụng cách sắp đặt”, không có quy hoạch như tự nhóm họp tình cờ nên đường sá quanh quẹo nhỏ hẹp, nhà cửa trồi sụt, phóng uế bừa bãi. Nói “thành phố cũ” là theo ý đó và do vậy nó đòi hỏi phải cách tân, rồi từ hồi tái lập tỉnh đến giờ được đầu tư mạnh mẽ để có một thành phố khang trang như hiện nay. Trong vòng mấy mươi năm, ai đi xa về chắc khó nhận ra một thị xã bé nhỏ không có ngã tư, ngã năm ngày nào.

Cuộc cách mạng quy hoạch, kiến trúc thành phố sẽ theo hướng hiện đại hóa và còn mở rộng Tam Kỳ theo nhiều ngã rẽ, trong đó xuyên về phía đông, qua cánh đồng Nhong, sẽ nối liền dải sông – đồng – biển. Vóc dáng sẽ càng tân kỳ hơn trong tương lai không xa. Nhưng điều đáng quý là những di sản cổ của thành phố cần được giữ gìn, tôn tạo, làm cho cư dân thành phố nối mạch với quá khứ. Người ta cần ghi nhớ ký ức từ ngọn lửa rèn Hồng Lư, nhớ phủ đường, nhớ các ngôi đình, văn miếu, các di chỉ, di tích làm nên hồn cốt của xứ Hà Đông xưa. Vậy nên thật sự vui khi nghe tin Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch vừa có văn bản gửi UBND tỉnh về việc thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình phát huy giá trị di tích Văn Thánh - Khổng Miếu, TP.Tam Kỳ. Nội dung Báo cáo kinh tế - kỹ thuật này gồm nhiều hạng mục trong đó có việc phục dựng một số kiến trúc, phục hồi các hoa văn phù điêu trong chánh điện, đồng thời tôn tạo cảnh quan khu văn thánh.

Mừng, bởi những ai quan tâm đến di sản ký ức của thành phố Tam Kỳ sẽ không thể bỏ qua Văn Thánh - Khổng Miếu, quần thể kiến trúc lịch sử văn hóa nghệ thuật độc đáo, hội tụ đầy đủ những nét truyền thống văn hóa dân gian, dân tộc có niên đại hàng trăm năm. Văn Thánh - Khổng Miếu Tam Kỳ đã thành nơi tôn vinh truyền thống hiếu học, huấn học, đồng thời là công trình kiến trúc giá trị, in sâu trong ký ức nhiều thế hệ. Nơi đây thành một điểm tham quan, địa điểm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa của Tam Kỳ.

Tam Kỳ còn có nhiều di tích khác cũng cần được quan tâm như thế, để khơi dậy mạch nguồn truyền thống của mảnh đất, con người, làm cho văn hóa được xiển dương, bồi tụ. Những công trình đã hàng trăm năm cần được bảo tồn cho hồn cốt ký ức văn hóa của thành phố. Như câu đối đã khắc ghi trên Văn Thánh Hà Đông này:

Thịnh truyền mỹ chương huân danh sự nghiệp
Địa linh nhân kiệt đức vọng văn chương

(Đất địa linh nhân kiệt sản sinh ra kết quả học vấn tốt đẹp rạng rỡ/ con em đất này phải biết đem học vấn để làm vẻ vang sự nghiệp vốn có từ cha ông - Lê Đình Cương, dịch ý).

NGUYỄN ĐIỆN NAM