Bi kịch từ những con số

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 05/01/2021 17:22

(QNO) - Bốn mươi người tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, so với 35 người đã mất vì dịch Covid-19 trong cả năm qua, cho ta thấy điều gì?

Một người mất đi đã là một bi kịch, huống hồ những con số vừa kể. Bi kịch cho cả họ, gia đình và người thân của họ. Càng bi kịch hơn, nếu họ là lao động chính, là rường cột trong một gia đình. Sau đó, là bi kịch của xã hội.

Tất nhiên với dịch bệnh lây nhiễm thì ảnh hưởng dây chuyền về mặt xã hội sẽ lâu dài hơn, nhưng những cái chết do TNGT cũng không thể coi thường xét về mặt văn hóa: văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử trong đời sống...

Như sáng nay khi tôi đi xe máy đến chỗ tập thể dục và trở về đã chứng kiến tình trạng sau đây khi đi đường: chỉ trong khoảng cách 1km có vài chục lần người đi xe máy (có trường hợp chở theo trẻ em) đi ngược chiều một cách vô tư. Người đi xe ngược chiều bây giờ họ coi là chuyện bình thường ngoài phố. Mình nhắc nhở, có khi bị họ dừng lại hành hung, chửi tục và cả rút dao đâm trọng thương, như báo chí từng nêu. Đó là chưa kể có kẻ còn lái xe ngược chiều trên cả đường cao tốc. Tôi từng hỏi một cảnh sát giao thông, đã có phân tích nào về TNGT do chạy xe ngược chiều chưa? Anh ấy nói chưa biết, chưa rõ (!?).

Người đi xe máy, đi ô tô ùn ùn chen lên trước tại các biển báo đèn đỏ ở các giao lộ, cũng là chuyện thường. Không ai nhường ai cả. Chen rồi và quẹt, rồi cãi cọ và đánh nhau, càng gây ra ách tắc giao thông và tai nạn.

Một cán bộ hưu trí gần nhà có hôm nói chuyện với tôi về thực trạng TNGT đã kết luận rằng, chạy xe bất kể luật lệ là do văn hóa kém và luật pháp không nghiêm. Còn chen lấn xô đẩy nhau là thiếu nhường nhịn, cái đó có gốc gác từ giáo dục ở nhà trường lẫn gia đình.

Đồng ý với nhận định này và tôi liên tưởng đến những điều thế hệ chúng tôi đã học từ nhỏ: ra đường thì đi bên phải, thấy người lớn phải dỡ mũ chào hỏi, gặp đám tang phải dừng lại nhường đường... Những lời giáo huấn ấy mãi ăn sâu trong tâm trí và trở thành thói quen trong hành động. Không biết bây giờ trẻ em có được dạy như vậy không? Hoặc là có dạy nhưng thiếu hành động làm gương của người lớn!

Trở lại những con số thương vong do TNGT trong 3 ngày nghỉ lễ, cần có những phân tích và thống kê chi tiết để đánh giá toàn diện và đưa ra các khuyến cáo thích hợp. Nhưng theo tôi, phân tích của tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn sau đây là đáng suy nghĩ: “Tỷ lệ tử vong do TNGT của nhóm là 32,5 trẻ tử vong/100.000 trẻ, cao gấp 4 lần tỷ lệ tử vong do TNGT người bình thường tại TP.Hồ Chí Minh và cao gấp 8-9 lần nhóm trẻ cùng độ tuổi ở các nước phát triển”.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trẻ em học cấp 3 có liên quan đến hơn 70% tổng các vụ TNGT trẻ em trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, tiếp đến là trẻ em học cấp 2 (gần 20%), trẻ em học cấp 1 (5%) và trẻ mẫu giáo (5%). Trẻ em trai dễ bị tổn thương hơn trẻ em gái nhiều lần (85% vụ TNGT trẻ em trai) và có khoảng 80% các vụ TNGT trẻ em xảy ra trong lúc trẻ em (ở độ tuổi 13-18) đang cầm lái điều khiển phương tiện... (theo website của Bộ Y tế).

Con số cũng ẩn chứa một bi kịch khác: đa số đều là người còn trẻ, là tiền đồ là tương lai của đất nước, đang tuổi ăn học, có sức khỏe, là niềm hy vọng của mỗi gia đình. Cho nên nếu sự mất đi của mỗi họ là một bi kịch, thì nó trở nên một đại bi kịch của xã hội!

Tuổi trẻ thường thiếu suy nghĩ chín chắn, nhưng nếu được giáo dục tốt, ý thức và trách nhiệm của họ với gia đình và cộng đồng sẽ tăng lên, bi kịch sẽ giảm đi.

Tiếc rằng, những nghiên cứu đơn lẻ của các nhà khoa học, như nêu trên, chưa được quan tâm đúng mức để có “toa thuốc” điều trị kịp thời cho toàn xã hội. 

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG