Mở, khép… phía ngõ nguồn
1. Mở, tiếp tục với con đường thông thương xuyên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây. Tầm nhìn chiến lược này đã hoạch định từ lâu, nhưng để mở “cửa khóa” cho phát triển như thế nào phụ thuộc sự xúc tiến mở cửa biên mậu và kinh tế cửa khẩu.
Nên nhớ, từ tháng 5.1999, Chính phủ Việt Nam và Lào đã cho mở cửa khẩu phụ và đến tháng 2.2006, mở cửa khẩu chính Nam Giang - Đắc Tà Ọoc. Tiếp đó, hơn 10 năm trước, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đến năm 2025. Tuy nhiên, suốt thời gian dài trôi qua, nhìn lại việc xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Ọoc đã không đạt được những ước vọng của tỉnh, cũng như mục tiêu quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.
Giờ đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 183/NQ-CP quyết nghị nâng cấp cửa khẩu chính Nam Giang thành cửa khẩu quốc tế. Nam Giang - Đắc Tà Ọoc sẽ có cơ hội để mở thông kỳ vọng ấp ủ khá lâu. Mở con đường vận chuyển hàng hóa ngắn nhất từ Quảng Nam qua Lào và qua đông bắc Thái Lan. Đó cũng sẽ là con đường kết nối du lịch, mở ra giao lưu văn hóa nữa.
2. Muốn đóng cửa rừng để bảo vệ tài nguyên rừng hiệu quả thì cần khép lại các câu chuyện xâm hại của con người. Từ vai trò khu bảo tồn thiên nhiên được nâng cấp, thành lập Vườn quốc gia đầu tiên trên địa bàn Quảng Nam (được UBND tỉnh tổ chức lễ công bố trong tuần qua), Sông Thanh sẽ tiếp tục được khép chặt trong công tác quản lý nghiêm ngặt với cấp độ cao hơn.
Với khung hành lang pháp lý cho cấp độ vườn quốc gia, hẳn là sẽ giúp Quảng Nam thực hiện được các mục tiêu tăng cường bảo vệ rừng, nâng cao năng lực bảo tồn đa dạng sinh học thuộc lâm phận rừng đặc dụng Sông Thanh và vùng giáp ranh; đẩy mạnh phục hồi sinh thái rừng, nâng cao ứng phó với biến đổi khí hậu; hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng và thực hiện đề án phát triển du lịch sinh thái, hoàn thiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, và đẩy mạnh giáo dục môi trường...
Rừng và tài nguyên đa dạng sinh học của Sông Thanh thực sự là vốn quý không chỉ cho Quảng Nam. Cần biết là nơi đây còn sót lại những khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam, với tổng diện tích hơn 76.500ha, trải rộng trên địa bàn 12 xã thuộc huyện Nam Giang và Phước Sơn. Ngõ nguồn này bao trùm sinh thái vùng đầu nguồn Vu Gia – Thu Bồn, có hệ động thực vật rất đa dạng (ghi nhận có 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 25 loài cá và nhiều loài động vật không xương sống; hơn 830 loài thực vật bậc cao, trong đó 23 loài đặc hữu của Việt Nam; 49 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam).
3. Mở hay khép trên ngõ nguồn không thể tách rời việc phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên rừng. Kinh tế cửa khẩu chỉ là một lối mở, sẽ còn kéo theo việc nâng cấp, xây dựng các con đường chiến lược xuyên đông tây và từ đó dẫn đến phát triển các ngành kinh tế khác nữa như logistics, du lịch, kể cả ngành chế biến nông nghiệp và lâm nghiệp… Song hành là bảo vệ rừng, tài nguyên đa dạng sinh học để nhằm giữ không gian sinh tồn bền vững cho miền núi.
Cái gì mở, cái gì đóng hay khép, đều phải tính toán các phương án quản lý, đảm bảo hài hòa các lợi ích và phòng ngừa những tác động với các vấn đề phát sinh. Chẳng hạn, khu kinh tế mở ra, đường mở tới, dự án chế biến lâm nghiệp thu hút tới, du lịch đặt chân tới, thì sự xâm hại tài nguyên, môi trường rừng có thể gia tăng nên các biện pháp kiểm soát càng phải chặt chẽ hơn.
Trường Sơn đông nắng tây mưa, xuyên qua sự kết nối vùng và khu vực làm sao mưa nắng đời người bớt đi khổ ải, phía ngõ nguồn giữ mãi kinh tế xanh. Đó chính là khép mở trên nền khát vọng phát triển trên vùng tây Quảng Nam.