Để con chữ trèo qua dốc núi
Chuyện học hành ở miền núi giờ càng thêm gian nan gấp bội vì thiên tai bão lũ dội đến khốc liệt. Từ sau cơn bão số 9 cho đến nay, nhiều xã vùng cao vẫn còn cách biệt khi địa hình chia cắt, bị cô lập, lực lượng cứu hộ phải trèo đèo lội suối mang gạo muối đến cứu trợ đồng bào, huống hồ chi con chữ gieo neo…
Không thể hình dung được phải mất bao nhiêu ngày nữa mới có thể dựng lại ngôi làng cho đồng bào ở xã Phước Thành, Phước Kim (Phước Sơn)?
Không thể mường tượng nổi đến bao giờ mới nguôi ngoai cơn sốc vì lũ quét, lũ ống đã cuốn cả cơn đau mất người thân, nhà cửa ở xã Trà Leng, Trà Vân (Nam Trà My)?
Không thể dự lường được các xã vùng cao biên giới Tây Giang, như Ch’Ơm, Tr’Hy, A Xan… khi nào mới san lấp hết những tuyến độc đạo bị sạt lở kinh hoàng, để những thầy cô giáo mang con chữ tới bản làng không phải nhờ xe múc dìu qua?
Mà miền núi Quảng Nam không chỉ có vài ba xã như thế. Theo thống kê, hiện còn tới 79 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn (còn 17.449 hộ nghèo). Cái ăn, cái mặc lo chưa xong thì cái chữ không dễ trèo qua đèo dốc, chênh vênh núi cao vực sâu.
Đã quá lâu rồi với sự thức nhận về bài toán nan giải của giáo dục ở miền núi, Quảng Nam đã đầu tư mạng lưới trường lớp, có nhiều chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh vùng cao. Nhưng khi thiên tai cuồng nộ, làm bộc lộ rất nhiều vấn đề thiếu vững chắc trong nền móng giáo dục. Rõ là còn nhiều điểm trường miền núi chưa được kiên cố, thiếu nhà vệ sinh, công trình nước sạch và thiết bị dạy học; lực lượng giáo viên còn thiếu lại không ổn định. Trong khi đó, các chính sách, cơ chế hỗ trợ đặc thù đối với giáo dục miền núi đã được triển khai, nhưng hiệu quả còn thấp, thiếu tính bền vững.
Chính vì lẽ đó, tỉnh tiếp tục xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 (vừa mới tổ chức hội nghị góp ý bàn thảo tuần qua). Theo đó, đề án đặt ra mục tiêu trong 5 năm đến là phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, với tổng kinh phí thực hiện hơn 2.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, kinh phí chủ yếu của đề án là đầu tư cho cơ sở vật chất, hạ tầng nên còn nhiều vấn đề khác phải cần sự chung sức của cộng đồng mới có thể xoay chuyển thực tế đầy khó khăn.
Đơn cử ví dụ cụ thể sẽ rõ, ngay sau mấy cơn bão, thầy Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My đã phải gửi thư kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ cho 29 trường trên địa bàn huyện mỗi trường một máy phát điện với công suất 5kW trở lên để phục vụ công tác dạy học cũng như ăn ở, sinh hoạt của học sinh, giáo viên. Và làm sao kể hết bao tấm lưng của người thầy vùng cao vẫn còn phải gùi cõng mắm muối để nuôi học trò trú tránh qua thiên tai? Những việc như thế, không đề án hỗ trợ nào tính hết được.
Sẽ còn nhiều việc nữa để xóa đói giảm nghèo, tìm sinh kế, dạy nghề, dạy chữ, đầu tư hạ tầng dân sinh, phục vụ công cộng, trong tâm thế phải tính phòng tránh rủi ro thiên tai, sạt lở núi, lũ quét... Cần làm một cách đồng bộ mới tạo căn cơ cho giáo dục, trên nền tảng ổn định đời sống dân cư lâu dài của đồng bào miền núi. Rất đau đầu để giải bài toán đó!
Đã nghe tin học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng đi học trở lại.
Đã nghe các ngôi trường vùng cao, thầy cô tìm đón học trò mà mừng như qua một cơn đau sinh tử. Năm nay có lẽ là ngày Nhà giáo Việt Nam rất đặc biệt, khi cả thầy cô và học trò cùng bộ đội, dân quân phải mệt nhừ dọn dẹp, cho con chữ hồi sinh.
Trèo qua những dốc núi hiểm trở, qua sông Leng, hay qua cầu Nước Mắt… rải rác sách vở còn ngập mùi bùn đất, nhưng khát khao con chữ sẽ lại lật lên, tìm chút hơi ấm giữa ngày đông.