Nghiên cứu để… ngâm cứu

NGUYỄN ĐIỆN NAM 04/10/2020 06:33

Dư luận trong tuần ồn ào về chuyện lãng phí tiền của bởi đầu tư rất ư… lãng xẹt.

Ví như Hòa Bình làm cái khẩu hiệu 11 chữ trên một ngọn đồi mà chi hơn 10,3 tỷ đồng (!?). Không rõ có bao nhiêu địa phương tiêu tốn ngân sách theo kiểu ấy, nhưng chắc việc đầu tư để dựng cổng chào, treo băng rôn, cờ phướn, khẩu hiệu… nhân “chào mừng” đại hội hoặc các ngày lễ, thực tế gây lãng phí không ít mà ai cũng “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Nhưng đó là việc phô trương dễ thấy, còn có những chuyện lãng phí âm thầm hơn, kéo dài nhiều năm chưa khắc phục triệt để là đầu tư nghiên cứu khoa học để… ngâm cứu.

Báo chí lần nữa xới lên việc lãng phí trong nghiên cứu khoa học, điển hình là vụ bò tót lai F1. VnExpress nêu ra có 2 đề tài khoa học liên quan đến đàn bò tót lai F1 trong trại khảo nghiệm. Đó là đề tài “Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng sinh sản của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà tại vùng giáp ranh Ninh Thuận và Lâm Đồng” và đề tài cấp nhà nước “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa”. Dự án đề tài thứ 2 tiêu hết 5 tỷ đồng mà kết quả đem lại là những con bò gầy trơ xương.

Không phải mấy con bò ăn rơm, ăn cỏ mà hết… 5 tỷ đồng. Tiền ấy hẳn chi chủ yếu cho các vị làm nghiên cứu, kể cả những phết phẩy hoa hồng cho việc phê duyệt, thẩm định dự án, nên có người nói “bò thì gầy, cán bộ thì béo”. Báo Lao Động dẫn ra số liệu cho thấy sự lãng phí như sau: “Báo cáo tổng kết các chương trình khoa học công nghệ (KHCN) trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 có một con số thế này: Trong tổng kinh phí 1.833 tỷ đồng cho 15 công trình trọng điểm, có 248 tỷ, chiếm khoảng 13,8% là chi phí cho công tác phí, cho hội nghị, hội thảo. Nếu cộng cả khoản kinh phí chi cho nguyên vật liệu phục vụ nghiên cứu khoảng 482 tỷ đồng (khoảng 26,3%) thì tổng số kinh phí “không tham gia trực tiếp cho phát triển nguồn lực KHCN” chiếm khoảng 40%”.

Lãng phí trong đầu tư cho các chương trình KHCN đã rõ, còn thêm khuất tất là nhiều đề tài nghiên cứu xong đem… ngâm cứu trong tủ lưu trữ hồ sơ. Nhớ lại thời ông Nguyễn Quân làm Bộ trưởng Bộ KHCN, đại biểu Quốc hội đã chất vấn rằng sao mỗi năm có khoảng 3.800 tỷ đồng chi cho nghiên cứu KHCN nhưng nghiên cứu xong thì xếp vào ngăn kéo. Bộ trưởng Quân tỏ ra bối rối khi trả lời có những đề tài phải cất vào ngăn kéo vì… đi trước thời đại nên phải chờ đợi, còn một số đề tài thì chưa tìm được đầu tư. Đến thời ông Chu Ngọc Anh làm bộ trưởng cũng “tuyên chiến với ngăn tủ” cất các đề tài nghiên cứu KHCN, nhưng phát biểu xong thì ông chuyển về làm Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, nay ai sẽ “tuyên chiến” tiếp điều đó thay ông?

Trong khi nhiều cơ quan nhà nước phối hợp các giáo sư, tiến sĩ tiêu tiền thuế của dân vào các dự án nghiên cứu để ngâm cứu như thế thì nhiều lĩnh vực đời sống vẫn bí bách tìm cách áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đâu xa, bà con làm nông nghiệp mong muốn đầu tư kỹ thuật công nghệ rất nhiều nhưng đến nay từ sản xuất đến khâu chế biến sản phẩm đều có những mặt yếu. Nông dân còn nhiều vất vả vì chuyện đầu tư yếu và thiếu công nghệ chế biến sau thu hoạch; chăn nuôi bấp bênh vì lo đối phó dịch bệnh thường xuyên. Còn ở nhiều vùng trong nước, đến cái máy tách hạt bắp, máy cắt lúa cầm tay, và nhiều máy móc khác cũng tự bà con nghĩ ra, chế tạo để làm. Kêu gọi sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp mà hàm lượng “chất xám” KHCN trong sản phẩm còn thấp thì sao có thể hội nhập thị trường hàng hóa rộng lớn?

NGUYỄN ĐIỆN NAM