Đò đầy chớ qua…

ĐĂNG QUANG 20/09/2020 07:38

Lời dặn của người xưa “Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua” trong bối cảnh thực là để phòng tránh chuyện dễ bị đuối nước. Còn bây giờ, ứng vào những chuyện khác, ví như con đường vào đại học để ra trường tìm kiếm việc làm, e cũng nhiều khó khăn trắc trở lúc qua đò.

Đã thấy đò quá đầy ở nhiều ngành học mà đầu ra có nguy cơ thất nghiệp rất cao. Theo dõi trong 5 năm qua, sinh viên sư phạm tốt nghiệp vẫn ở tốp đầu danh sách khó tìm được trường lớp để dạy. May mắn kiếm được chỗ thì hợp đồng bấp bênh vậy thôi, bởi định biên giáo viên (GV) ngày càng eo hẹp. Ngay cả GV đi dạy lâu năm còn phải chật vật để được tuyển vào viên chức.

Như ở Quảng Nam, năm 2017, chỉ tiêu tuyển dụng là 110 GV bậc THPT, mà có tới 1.076 người dự tuyển; GV bậc mầm non, tiểu học, còn “căng thẳng” hơn khi có tới 3.895 người dự thi nhưng chỉ tuyển 1.193 viên chức. Đến năm 2020 UBND tỉnh mới lại tổ chức thi tuyển viên chức nhưng chỉ tiêu tuyển dụng là 1.783 GV; trong đó, mầm non 426, tiểu học 947, THCS 250, THPT 160 GV. Đáng nói hơn, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết chỉ tiêu tuyển dụng là thấp so với nhu cầu người đăng ký, có bậc học 20 người thi để chọn 1, thậm chí 50 chọn 1. 

Tìm kiếm chỗ đi dạy khó như vậy nên dự kiến Việt Nam sẽ còn thừa khoảng 70.100 sinh viên sư phạm tốt nghiệp (41.000 giáo viên cấp tiểu học, 12.200 cấp THCS và 16.900 cấp THPT) trong thời điểm 2020-2021.

Ngoài sư phạm thì hàng loạt ngành khác cũng khó tìm việc làm khi ra trường như các ngành ngân hàng, tài chính, quản trị kinh doanh, công nghệ môi trường, kế toán - kiểm toán, tâm lý học,… Đặc biệt năm nay nặng nề nhất là ngành du lịch, hàng không, ngoại thương bị điêu đứng do đại dịch Covid-19, hàng chục nghìn em học các ngành này ra trường sẽ ở không mà chưa biết bao giờ mới xin được việc như mơ ước vì hàng trăm nghìn nhân viên đang làm trong các ngành ấy chừ phải tạm nghỉ làm. Con đò không những quá đầy mà còn đối mặt nguy cơ úp lật.

Nói không ngoa như khá nhiều sinh viên ngậm ngùi đùa nhưng chua chát rằng “tốt nghiệp là thất nghiệp”, bởi không như thực trạng “thường lệ” mỗi năm có tới 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp mà hiện nay có lẽ con số đã tăng lên gấp bội. 

Tình trạng thất nghiệp làm cho việc tư vấn hướng nghiệp, hướng nghề đã khó càng khó hơn nhiều lần. Trong khi đó, nhiều ngành học vẫn đào tạo một đàng ra đi làm một nẻo, đào tạo không cần biết đầu ra. Nhấn thêm một cú đau nữa là nhiều trường đại học gia tăng “thương mại hóa” giáo dục bằng cách thu hút đầu vào càng nhiều càng tốt bất chấp chất lượng, nhằm để thu học phí, góp phần làm tình hình thêm rối.

Còn các địa phương, doanh nghiệp thì nói chung chung là thiếu lao động chất lượng cao nhưng số liệu công khai dự báo mơ hồ nên việc tư vấn hướng nghiệp, hướng nghề cũng chả rõ, mặc ai trôi đi đâu cứ trôi, dựa trên cảm tính mà chọn đò. Bây giờ giả thử có nghe một em học sinh đỗ 3 trường đại học mà biểu ai tư vấn chọn ngành nghề gì chắc cũng không dễ, bởi sợ rơi vào cảnh xà quần như dân mạng xã hội đàm tiếu, “có cậu học trò chăn bò đỗ 3 trường đại học, 5 năm sau cậu ấy lại cầm 3 bằng đại học về quê chăn bò”(?!).

Không đến mức cám cảnh như thế cũng có thể thấy việc hướng nghiệp, hướng nghề ở ta còn quá chông chênh. Phần lớn học sinh gần cuối cấp phổ thông, đứng trước ngưỡng cửa đại học lơ ngơ đành nghe theo tư vấn của cha mẹ, người quen. Thông thường là theo phong trào chọn trường nào có ngành học mà đầu ra dễ xin việc làm hoặc có lương cao chứ không tìm hiểu kỹ và đi theo lộ trình xác lập nghề nghiệp đúng sở thích, sở trường, năng lực của mình.

Đò đầy chớ qua, nghe vậy nhưng nhiều người vẫn muốn hoặc không biết đường nào cũng phải qua. Cho nên mỗi mùa vào đại học lại thấy chộn rộn lựa chọn mà mấy ai biết hướng ngả rẽ về đâu.

ĐĂNG QUANG