Đừng vẽ hình vẽ dạng cho qua
Năm 1922, trong tác phẩm Tỉnh quốc hồn ca II, cụ Phan Châu Trinh - nhà yêu nước, chí sĩ Duy tân, đã lên tiếng kêu gọi bỏ lối học theo đòi hư danh mà cần thực học để sáng tạo, mở mang phát triển kinh tế, văn hóa:
…Ước học hành mở cho xứng đáng,
Đừng vẽ hình vẽ dạng cho qua,
Công thương kỹ nghệ chuyên khoa,
Trí tri cách vật cho ta theo cùng,
Cuộc điều dưỡng mở trong dân sự,
Nẻo giao thông tứ xứ sơn lâm,
Làm cho ba tánh yên tâm,
Làm cho kinh tế càng năm càng giàu…
Gần cả thế kỷ trôi qua, lời kêu gọi thức tỉnh giáo dục vẫn còn vang vọng, bởi ta dường vẫn loay hoay tìm triết lý giáo dục sao cho tiến bộ. Từ việc xác định đường hướng, phương pháp, tài liệu giáo dục vẫn còn phân tâm nhiều thứ. Hệ lụy là thay đổi thử nghiệm liên miên, như từ phương pháp sư phạm lấy người thầy làm trung tâm chuyển sang lấy người học làm trung tâm; từ phân ban sang phổ cập phổ thông, sau lại có thêm trường chuyên, lớp chọn; rồi đổi mới thi cử, đổi sách giáo khoa…
Có những sự thay đổi của giáo dục mà tầm nhìn chiến lược và cơ sở khoa học còn gây tranh cãi, nhiều khi dẫn đến phản ứng trong xã hội, chẳng hạn các chính sách chưa bảo đảm công bằng trong tiếp cận cơ hội giáo dục, hay vẫn tổ chức rầm rộ cuộc thi tốt nghiệp rất tốn kém chỉ để tìm ra… một vài phần trăm số học trò không đạt; hoặc tốn bạc tiền hơn nữa là thay đổi giáo khoa với chu kỳ rất ngắn gây lãng phí; rồi các cách nhồi nhét kiến thức khiến nhiều người la trời, như chuyện năm nay học sinh lớp một đã phải cõng bộ sách 23 cuốn, rất nặng nề!
Đáng nói là phương pháp giáo dục vẫn lạc hậu như nhà giáo Giáp Văn Dương chỉ ra quy trình bốn bước là: 1. thầy giảng giải; 2. trò hiểu; 3. trò ghi nhớ; 4. thầy kiểm tra sự hiểu sự nhớ đó bằng các bài thi. Quy trình đó dẫn đến hệ quả tất yếu là chạy theo mục tiêu dạy và học để thi. Theo cái đích này, “công nghệ luyện thi” ra đời, trò học theo văn mẫu - toán dạng, hoặc ghi nhớ mẹo mực để có thể vượt qua kỳ thi; thầy trở thành thợ dạy, thợ ôn thi. Tình trạng này kéo dài hàng chục năm trời, nên theo ông Giáp Văn Dương, muốn đổi mới giáo dục thì điểm mấu chốt là phương pháp giáo dục phải đột phá trong cách tiếp cận chứ không phải ở kiến thức truyền đạt, từ đó hoạt động dạy và học phải theo hướng “đồng sáng tạo” với tinh thần nhân văn và khai phóng.
Chữ “khai phóng” đó tưởng là thời thượng nhưng ngẫm ra đâu khác xa lắm nội hàm chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” đề cao thực học, mà các nhà Duy tân của Quảng Nam như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đã sớm phác ra đầu thế kỷ XX. Tất nhiên là bây giờ giáo dục cũng cần thay đổi theo bước tiến xã hội, song vẫn còn nguyên khát khao về một nền tảng giáo dục khai sáng, khai mở óc sáng tạo và tinh thần nhân ái. Cho nên, để “làm cho bá tánh yên tâm” thì phải bắt đầu từ nền tảng phát triển giáo dục, làm sao để giáo dục không phải “gù lưng” và cả “gù nhân cách” trong xã hội tha hóa vì chuộng kim tiền và bằng cấp.
Dẫn theo triết lý giáo dục thời nay, nhiều nền giáo dục tân tiến đều đề cao 4 trụ cột của giáo dục là “học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình”. Báo cáo tổng quan Việt Nam tầm nhìn đến năm 2035 cũng nêu rằng, trong một xã hội hiện đại, sáng tạo và dân chủ sẽ làm động lực thúc đẩy phát triển. Trọng tâm là hình thành môi trường mở và tự do để khuyến khích mọi công dân học hỏi, sáng tạo. Vậy thì đổi mới căn bản giáo dục sao chưa xây dựng trên nền tảng 4 trụ cột đó mà lại vẽ ra nhiều chuyện rất phiền? Phải chăng điều cản trở là do quản lý giáo dục còn “vẽ hình vẽ dạng cho qua” với đủ thứ nhì nhằng?