Từ khúc tâm tình của Hoài Linh
Trong chương trình âm nhạc “Cảm ơn những tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19” được tổ chức tại Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP. Hồ Chí Minh vừa qua, bức thư pháp bài “Quảng Nam” của nghệ sĩ Hoài Linh có người mua 700 triệu đồng, gây chấn động dư luận. Nhiều ý kiến xuất hiện trên mạng xã hội trong tuần qua, tựu trung nội dung đàm luận rằng đó có phải là thơ không, sao thơ đắt giá thế?
Kể cũng đắt giá, bài thơ có 391 chữ (âm tiết), vị chi mỗi chữ gần 1,8 triệu đồng. Nhưng thực ra người bàn tán… giá cả đã lửng đi mục đích của chương trình là kêu gọi ủng hộ cho quê hương xứ Quảng phòng chống dịch. Hẳn người mua chỉ lấy bài thơ làm cái cớ để gửi tấm lòng mình chia sẻ với quê nhà.
Bây giờ mới bàn chuyện thơ.
Có người đọc lại bài “Quảng Nam” đăng trên Tuổi trẻ cười, cảm nhận rằng Hoài Linh thể hiện cái nhìn về cảnh vật, con người quê hương, bằng những lời tự sự, kể chuyện. Giống như bài diễn ca có vần, có đoạn lại giống như lời ăn tiếng nói thường ngày (Hướng về Quảng Nam với cả nghĩa tình sâu nặng/Góp sức chung tay để cùng lo cho đặng/Dịch họa thiên tai bệnh tật được đẩy lùi). Không thấy hình tượng, thi tứ gì đặc biệt. Cấu trúc ngôn ngữ không sử dụng nhiều biện pháp tu từ, thi ảnh, thi pháp nào độc đáo.
Ngược lại có ý kiến cho đó là thơ theo kiểu… Hoài Linh. Rằng cái tôi tác giả cũng bày tỏ tâm tình, cảm xúc, suy tư về tính cách, phẩm chất con người, những chỉ dấu văn hóa, địa linh xứ Quảng. Dù lời thơ mộc mạc, có lúc giản đơn nhưng lột tả được niềm yêu quê tha thiết của người con ở phương xa ngóng về đất mẹ. Và thế là đủ để lay động lòng người.
Đứng giữa hai luồng ý kiến đó, tự dưng nhớ lại cuộc bút chiến lịch sử giữa hai trường phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh” diễn ra trong các năm 1935-1939. Một bên cho rằng văn chương là văn chương có vẻ đẹp tự thân. Bên kia cho văn chương là cuộc sống, là phụng sự nhân sinh, xã hội. Cuộc tranh luận này không đi đến ngã ngũ phần thắng tuyệt đối cho bên nào. Cũng giống như việc bất phân thắng bại giữa các quan niệm thơ là gì vào những năm trước Cách mạng Tháng Tám. Trong khi một bên là thi sĩ “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” (Xuân Diệu), thì bên khác lại chủ trương: “Là thi sĩ nghĩa là cao khúc họa/ cuộc đấu tranh vĩ đại của hoàn cầu/chống hung tàn xâm lược khắp năm châu/trên trái đất dựng cao cờ dân chủ” (Sóng Hồng).
Giờ đây, cùng với thời gian trôi qua chồng lên thêm bao trường phái và quan niệm, dường như có lúc đành chấp nhận một thực tế cả nghìn nhà thơ thì cũng có chừng ấy cách nghĩ về thơ, chắc gì ai chịu ai. Song, có điều nhiều người tương đắc là dù biết thơ có đặc tính riêng nhưng vẫn bắt nguồn từ xã hội và phục vụ xã hội. “Không thể cô lập một câu thơ, và con người với xã hội, tách nó ra khỏi đời sống” (Đặng Tiến). Nhà phê bình văn học Đặng Tiến cũng bày tỏ một cách nhìn thế nào là thơ hay: “Khi câu thơ hay vì ý nghĩa thì nó có cái hay của văn xuôi, như một lời văn hoa mỹ, một lời nói khéo. Ngôn ngữ thơ cũng vậy: nói tự nhiên thì không ra thơ, phải nói một cách nào đó thì mới là thơ”.
Vậy có thể theo quan niệm của mình mà bạn đọc đánh giá bài “Quảng Nam” là thơ hay không thơ, thơ hay hay không. Với người viết bài này, “Quảng Nam” là khúc tâm tình của một danh hài, một người con xứ Quảng giàu tình yêu quê hương đất mẹ. Suy đoán có khi Hoài Linh chỉ mượn phương tiện - một hình thức giống như thơ để chuyển tải tình cảm anh muốn gửi về quê nhà. Và nó đã được đón nhận theo kiểu rất riêng, được mua với “giá kỷ lục”. Thế là anh đã thành công với mục đích có được sự ủng hộ đáng giá góp ý nghĩa chung tay đẩy lùi đại dịch thế kỷ, “hơn nghìn trang giấy luận văn chương”.