Gập ghềnh bước thấp bước cao

NGUYỄN ĐIỆN NAM 09/08/2020 04:03

Chị cầm chỉ vàng lật qua lật lại xem chừng tiếc nuối khi phải bán đi. May, vàng được giá, một chỉ bán hơn 5,5 triệu đồng, đủ cầm cự tháng ăn khi chị phải nghỉ làm công nhân, con thì học du lịch ra trúng mùa dịch không tìm được việc. Chuyện của người chị ấy cũng đang là thời sự của biết bao lao động vì Covid mà mất việc, mất thu nhập đành phải ăn vào của để dành.

Ở Quảng Nam, tình hình sử dụng lao động trong tháng 7 tiếp tục giảm, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 10%; khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm hơn 2%. Thấy rõ nhất là lao động trong ngành du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề. Cứ hình dung một thành phố sống nhờ du lịch như Hội An, lực lượng lao động làm việc trong ngành du lịch ước hơn 15 nghìn người, nhiều nhất là lĩnh vực lưu trú với khoảng 12 nghìn lao động, bây giờ đóng cửa hoạt động thì bát cơm lưng hẳn. Tại kỳ họp giao ban vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường lưu ý các ngành chức năng tìm cách giữ chân nguồn nhân lực du lịch trong tình hình dịch bệnh hiện nay, tuy nhiên đó là bài toán không đơn giản.

Muốn giữ chân lao động trong nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng bởi Covid-19 phải giải quyết đồng bộ các bước từ tầm thấp đến tầm cao. Ở tầm thấp là chính sách hỗ trợ trước mắt đến từng doanh nghiệp, từng địa phương. Đợt đầu gói hỗ trợ thất nghiệp nhiều người chưa được hưởng; doanh nghiệp chống chèo không nổi việc trợ cấp hay giải quyết lương tối thiểu nên tiếp tục cắt giảm lao động. Vậy nên, muốn giữ ổn định lực lượng lao động, bảo đảm an sinh, thì phải làm thế nào để doanh nghiệp trụ lại mới xoay sở được.

Giải quyết lao động cũng phụ thuộc bối cảnh chung, trong khi tính đến đầu tháng 7, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,... Vậy nên, ở tầm cao là bước đi của các chính sách vĩ mô, cần tiếp tục ưu tiên hoãn, dãn, giảm các nghĩa vụ đóng góp ngân sách, thuế phí, đồng thời cho vay ưu đãi để doanh nghiệp tìm nguồn nguyên liệu sản xuất và xúc tiến kiếm thị trường thay thế đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Về lâu dài, chính sách lao động việc làm phải thích ứng với sự thay đổi của một thế giới đầy bất định hậu Covid-19 được gọi là “trạng thái bình thường mới”. Ở trạng thái đó, người lao động sau cú sốc lớn sẽ phải xác định rằng hôm nay mình có việc làm nhưng có thể ngày mai thì mất. Vì vậy, lao động phải tự trang bị cho mình tính đa dạng kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp để khi thất nghiệp ở nơi này thì có thể tìm việc ở nơi khác, cần giỏi một nghề nhưng biết nhiều nghề. Mà thực ra các ý kiến vậy không cần nói ai cũng biết, vì “bụng đói thì đầu gối phải bò”, phải tìm việc làm để mưu sinh, thậm chí như nhiều công nhân ở xứ Quảng lại trở về đồng ruộng cày cấy kiếm sống qua ngày. Vấn đề là từng lao động và doanh nghiệp, đều cần chuẩn bị tâm thế thích ứng với sự thay đổi, với tư duy quản trị rủi ro về nghề nghiệp, việc làm, tích lũy thu nhập để đảm bảo an sinh.

Ở phía quản lý nhà nước, chuyển đổi cơ cấu lao động là cả bài toán lớn. Lâu nay con số tỷ lệ chuyển dịch lao động từ nông nghiệp qua phi nông nghiệp cứ tăng lên mỗi năm được nhiều địa phương coi là thành tích, nhưng không lường được khi khủng hoảng lớn xảy ra trong ngành dịch vụ thì lung lay bệ đỡ an sinh. Thêm nữa, có bộ phận khá lớn lao động không làm nông nghiệp nữa vì năng suất thấp nhưng họ chỉ bước lên làm công nhân may, gia công giày hoặc vào làm các xưởng chế biến chứ bảo áp dụng công nghệ vào công việc thì họ không đủ trình độ để làm. Đó là nấc thang gập ghềnh cần suy nghĩ! 

NGUYỄN ĐIỆN NAM