Vô thường trong bình thường mới
Ba cõi phù du mây thu baySinh tử khác nào vũ điệu sayChúng sinh mạng mỏng như chớp lóeTrôi nhanh như thác đổ non ghềnh.
Mang máng nhớ bài kệ này trong kinh Phổ Diệu, chưa có dịp tra lại nhưng nghĩ chẳng hề gì, vì chỉ muốn mượn đó để đề cập chuyện dịch Covid-19 và cách thức ứng xử của chúng ta.
Quả nhiên thực chứng về sự vô thường của đời sống con người lúc có lúc không, khi này khi khác, biến chuyển không ngừng. Như mới sống thoạt chết, mới mạnh thoạt yếu, mới khỏe liền đau. Dịch bệnh đã kéo dài nửa năm mà chưa có dấu hiệu ngừng, chừng 418 nghìn người đã chết, 7,5 triệu người nhiễm, 213 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch.
Thế giới thấy rõ không một nước nào có thể đứng riêng ra, đứng ngoài nỗi đau nhân loại và không thể thường còn trạng thái bình thường được phân lập ổn định là nước phát triển, đang phát triển hay chưa phát triển. Cho nên ta hôm nay đã không phải là ta hôm qua nữa rồi.
Nghĩ về vô thường không phải để… coi thường tất cả sự vật, hiện tượng, kể cả tấm thân tứ đại, để rồi không làm gì cả, không thay đổi. Lời khuyên của các nhà minh triết là nếu chúng ta biết biến chuyển thì ngày mai tình trạng sẽ thay đổi và cần bơi qua dòng sông sinh tử bằng những việc làm có ý nghĩa, lợi mình, lợi người đưa đến an lạc hạnh phúc.
Những suy nghiệm trên đây có ích gì trong đời sống hiện tại? Có đấy. Nhân loại rồi sẽ đi qua đại dịch này dù có tổn thất nặng nề. Việt Nam qua trước, Mỹ qua sau, cũng chẳng phải vì ai nghèo hay giàu, điều kiện y tế ai ưu việt hơn mà do cách thức lựa chọn biện pháp phòng chống dịch tốt hơn, kịp thời thay đổi hơn. Qua sông sinh tử là mừng nhưng đừng tự mãn, tự cao tự đại vì dịch cũng có thể trở lại, hay dịch này qua, dịch khác tới vô chừng.
“Trạng thái bình thường mới” của người Việt ta bây giờ là tiếp tục thay đổi, biến chuyển giữa vô thường dòng chảy đời sống để tháo gỡ khó khăn vì hệ lụy của giãn cách/cách ly xã hội. Rất nhiều người lao động và doanh nghiệp vẫn chưa nhận được gói hỗ trợ an sinh, họ sẽ cầm cự và thay đổi sinh kế như thế nào? Rất nhiều ngành kinh tế điêu đứng vì thua lỗ sẽ tái cơ cấu ra sao? Du lịch sẽ lựa chọn sản phẩm nào, thay đổi và làm mới cái gì, bao giờ sẽ lại đón được du khách quốc tế? Giáo dục, y tế và công việc có thể ứng dụng nhanh chóng điều kiện công nghệ để làm từ xa hay không?...
Hàng loạt câu hỏi đó cần cả hệ thống chính trị, Chính phủ và toàn xã hội trả lời. Việc các bộ ngành “bày vẽ” thêm những “giấy phép con”, tăng các loại chi phí kiểu bắt thêm đèn chiếu sáng ban ngày cho xe cộ, tăng thu BOT, “xin đểu” vé máy bay đi công tác… là chuyện bất bình thường chứ không phải vô thường trong trạng thái bình thường mới. Lớn hơn là việc thay đổi, đổi mới thể chế, chính sách để tận dụng cơ hội thực thi Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) nhằm đưa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào EU mạnh hơn, cải thiện khả năng cạnh tranh, tăng cường sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc.
Thực tế có cái gì gọi là “trạng thái bình thường mới” không? Mới, là nói ý phải “sống chung” với dịch chăng? Có thể vậy. Thiên tai và dịch bệnh là một phần cuộc sống mà con người phải đối mặt, vấn đề là ta phải thay đổi cách thế ứng xử như thế nào cho phù hợp, như “chớp lóe” và “trôi nhanh” hơn.
Hàng ngàn năm nay, quán chiếu vô thường sẽ thấy không có gì tồn tại mãi mãi, mọi thứ đều ở trong trạng thái thay đổi liên tục, biến chuyển không ngừng. Diễn tiến của mọi sự vật, hiện tượng cũng như đời sống con người đều biến đổi trong từng sát-na, như câu thơ của Chế Lan Viên:
Mỗi giờ mỗi phút mỗi giây
Ta đều thấy những gì ở đời không giống trước.