Rề rà qua chuyện hộ khẩu

NGUYỄN ĐIỆN NAM 06/06/2020 06:33

Vừa có chuyến ra Hà Nội ở một tuần, thấy thủ đô thay đổi nhiều. Nhà cao tầng mọc lên san sát, lượng ô tô trên đường nhiều hơn, chợ búa siêu thị mở ra khắp mặt phố, người đông như kiến bò… Thay đổi đó cùng với bê tông hóa dày đặc, mặt đường hâm hấp nhựa, nhà kính lấp loáng làm Hà Nội nóng lên hừng hực, ngột thở!

Nhưng có đôi điều vẫn cũ ở đâu đó lẩn khuất trong các ngõ ngách với chuyện di cư về thành, trăm ngàn kiểu mưu sinh vỉa hè, từ những hàng nước chè và thuốc lào vạ vật các góc phố, đến đội ngũ cửu vạn lao động thuê mướn…

Hàng nước gần Cục Tần số vô tuyến điện có mấy người bám theo vỉa hè đặt vài bộ bàn ghế nhựa. Khách Bắc đến đó chỉ uống trà, kéo thuốc lào; dân miền Nam thì kêu trà đá, cà phê gói (muốn uống cà phê phin phải đi quán hàng lớn). Mẹ con bà hàng nước dọn từ sáng sớm đến tầm nửa buổi sáng thì nghỉ, kiếm được trăm nghìn đủ ăn qua ngày, sau khi “lại quả” cho chủ nhà có vỉa hè sáng sáng lượn qua thu mười nghìn đồng xí chỗ. Ngồi bên đường xe cộ vậy mà chuyện cũng rôm rả, bàn cả đến… nghị trường. Bữa đó đúng kỳ họp Quốc hội, vậy là rê dắt thế nào lại bàn về cái sổ hộ khẩu. Chợt nhớ chuyện nhà thơ Lưu Quang Vũ, ra khỏi bộ đội về nhà rất lâu không nhập được hộ khẩu dù ai cũng biết nhà Vũ ở Hà Nội và Vũ đã nổi tiếng trong làng thơ.

Một người dẫn lời bà Chủ tịch Quốc hội nói: “Nói đến sổ hộ khẩu là người dân khổ sở”. Đúng quá chớ, chỉ quanh quất hàng nước này vẫn nghe biết những người hộ khẩu ở dưới Thái Bình, Hưng Yên lên, Sơn La xuống… Người thạo địa bàn chép miệng, chuyện đó đầy, cứ ra các chợ thì sẽ thấy hàng đàn dân cửu vạn các tỉnh đổ tới, làm chi có hộ khẩu thủ đô. Mấy người có nghề nghiệp ổn định đăng ký tạm trú, còn những “chợ người” từ Mai Dịch, Dốc Bưởi, cầu Mai Động… lúc nào cũng chật ních người tụ bạ bán sức lao động, ai thuê gì làm nấy, nay chỗ này mai chỗ khác. Một “nhà phân tích” tỏ vẻ thông hiểu khi chỉ ra hàng loạt cái khổ kéo tới dính với phận người không mang sổ hộ khẩu bên mình lỡ gặp việc không may, khám chữa bệnh không đúng tuyến, dang dở tay xách nách mang con cái bu bám lên theo học… Ôi thôi đủ thứ nhì nhằng!

Vậy thực tế, có lượng lớn người dù không mang hộ khẩu theo vẫn di cư lên thành phố tìm việc làm, lao động kiếm sống. Bởi họ nghĩ rằng “giàu nhà quê không bằng ngồi lê Hà Nội”, ngồi lê thành phố để tìm kiếm cơ hội mưu sinh. Mà chuyện đó riêng chi Hà Nội, đến TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng của xứ Quảng này cũng có vậy. Cho nên dùng sổ hộ khẩu và các quy định riêng để ngăn dòng lao động di cư lên thành phố là bất khả, đâu như xưa hộ khẩu gắn với sổ gạo tem phiếu mà cấm cản được. Mặt khác, việc quy định riêng các điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương đã ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Rất hay với đề xuất sửa đổi Luật Cư trú, bỏ sổ hộ khẩu mà thay bằng mã số định danh cá nhân. Nhiều nước văn minh đưa ra căn cước công dân tích hợp cả hộ khẩu, hộ tịch, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, số bảo hiểm xã hội - y tế, thẻ thuế… Còn Việt Nam ta thế nào? Như câu “Hà Nội không vội được đâu”, bởi để chuyển đổi quản lý hộ khẩu từ sổ giấy qua hệ thống điện tử cần phải làm đồng bộ nhiều khâu, từ cấp mã số định danh cá nhân đến xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cư trú, cần công nghệ số hóa liên thông, cần rà soát để các quy định luật khác không “đá nhau” (như 27 thủ tục hành chính có liên quan đến hộ khẩu)... Hàng loạt việc phải làm như vậy, liệu có kịp để một năm nữa bỏ sổ hộ khẩu không? Thì hy vọng vậy!

NGUYỄN ĐIỆN NAM