Không người nào là hòn đảo cô độc cả
Những ngày bị “cách ly xã hội” do dịch bệnh, nhiều người dễ rơi vào trạng thái cô đơn. Nhưng ngay nỗi cô đơn cũng chẳng riêng người nào bởi gần khắp thế giới đều mắc kẹt giữa đại dịch và hành tinh này dù thế nào cũng không thể cách ly khỏi… hệ mặt trời.
Nghĩa là theo cách nào đó loài người phụ thuộc lẫn nhau, trái đất, mặt trăng cũng lăn đi trong vòng quay vũ trụ. Và thiên tai dịch bệnh đã làm cho con người thức tỉnh biết bao điều, như tiếng chuông gọi hồn để những ai cho mình “là một, là riêng, là thứ nhất” phải quay đầu nhìn lại hệ lụy của khát vọng ngông cuồng muốn thống lĩnh tất cả tự nhiên - xã hội.
Không có ai là nhất cả, trước cái chết đều bình đẳng. Kinh tế giàu hay nghèo ư? Vẫn chết. Văn minh hay lạc hậu ư? Vi rút chẳng chừa ai. Khi dịch bệnh, thiên tai ập đến mới thấy con người là bé nhỏ, có lúc cũng tầm thường, yếu ớt. Tiếng kêu bị khẩu trang che khuất. Bàn tay khó níu hết cõi nhân sinh. Bao loại vắc xin, thuốc thang được sáng chế đâu chủng ngừa hết mọi cơn đau, vẫn không giúp con người vượt qua sự hữu hạn của thời gian sống.
Nhưng đời người, dù biết hữu hạn song ai cũng ham sống, muốn sống thì không thể đứng riêng một mình. Cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, văn hào nước Anh là John Donne (1572- 1631) đã nói: “Con người không phải là một hòn đảo, không chỉ là tự mình; mỗi người là một phần của lục địa, một phần của tổng thể; nếu sóng biển cuốn đi dù chỉ một hòn đất thì châu Âu sẽ trở nên bé hơn (...). Cái chết của mỗi con người làm cái tôi nhỏ lại vì tôi là một phần của toàn nhân loại, và bởi thế anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai: chuông nguyện hồn anh đấy!”. Phải chăng trong đó đã có ý niệm về toàn cầu hóa?
Toàn cầu hóa giờ đây thể hiện sự ràng buộc xã hội khiến con người phải tìm đến nhau để sinh tồn trong ý niệm chung là nhân loại. Ràng buộc chuyện làm ăn là dễ thấy khi hình thành các chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất kinh doanh, phân phối hàng hóa tiêu dùng toàn cầu. Ràng buộc về kinh tế còn ở trong chuỗi mắc xích logictics, vận tải, du lịch... Trong sự ràng buộc đó chỉ cần trục trặc ở một khâu bất kỳ thì tất cả đều bị ảnh hưởng.
Như nhà kinh tế học Gaël Giraud đã chỉ ra: “... một số thức ăn đi hai vòng trái đất trước khi đến đĩa của chúng ta. Để tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn, chúng ta đã thiết lập dây chuyền tiếp tế theo quy tắc quản lý vừa đúng lúc (just-in-time). Trong dây chuyền này, các luồng nguồn lực vô cùng mong manh, chỉ một công ty ngừng hoạt động vì lao động làm thuê của nó bị bệnh hay từ chối rủi ro lao động là dây chuyền bị đứt đoạn”.
Rõ ràng nhiều lợi ích được đem lại với mặt tích cực của toàn cầu hóa, nhưng cũng có rủi ro. Chúng ta chứng kiến thiệt hại cho hầu khắp nền kinh tế khi Covid-19 cắt đứt các chuỗi cung ứng, kéo theo chuỗi doanh nghiệp phá sản, chuỗi lao động thất nghiệp...
Một số lĩnh vực khác cũng khó thể cưỡng lại toàn cầu hóa, như y tế chẳng hạn, cần sự ràng buộc nhau trong hệ thống phòng ngừa dịch bệnh. Bởi chỉ cần một người, một vùng, một nước bị dịch bệnh mà che giấu, phản ứng yếu ớt thì vi rút lây lan ra thế giới. Khi đó việc đóng cửa cách ly hay phong tỏa cũng muộn màng. Y tế cần quản lý và chăm sóc sức khỏe cộng đồng chung, từ mỗi quốc gia và cả nhân loại.
Sẽ tốt đẹp cho toàn cầu hóa nếu xây dựng được nền tảng tinh thần nhân ái, nhân văn, cộng sinh cùng phát triển trong các hoạt động kinh tế, xã hội. Khi đó sẽ không xảy ra “cuộc chiến khẩu trang”, sẽ không có những kẻ “thừa nước đục thả câu” buôn bán trên nỗi đau nhân thế, làm hàng giả, quậy phá an ninh, thể hiện mộng bành trướng xâm lấn chủ quyền nước khác hay mưu toan áp đặt luật chơi lên phần còn lại của thế giới.