Kịch bản tăng trưởng

NGUYỄN ĐIỆN NAM 06/03/2020 15:26

Việc xét lại chỉ tiêu tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp là chuyện chẳng đặng đừng từ Chính phủ đến các địa phương. Thủ tướng Chính phủ đặt ra kỳ vọng với mục tiêu kép - vừa chống dịch hiệu quả vừa giữ được nhịp điệu phát triển, song đó là điều không dễ nếu không có thiên thời - dịch sớm chấm dứt trong quý 2, và nhân hòa - cả bộ máy con người nỗ lực gấp nhiều lần.

Giữa bối cảnh cam go này, Quảng Nam cũng phải nghiên cứu những kịch bản tăng trưởng. Trong đó nổi lên hai giả định quan trọng: nếu dịch kết thúc quý 1 thì tăng trưởng GRDP có thể đạt 6,8%; nếu dịch kết thúc quý 2, tăng trưởng sẽ 6%. Theo kịch bản nào, mức tăng trưởng cũng giảm so với chỉ tiêu đặt ra (7-7,3%). Việc suy giảm nguồn thu ngân sách cũng đã được dự báo, qua hai tháng tổng thu ngân sách và thu nội địa đều giảm hơn 25% so với cùng kỳ; đáng kể nhất là ô tô (thu trong những tháng đầu năm khoảng hơn 1,2 ngàn tỷ đồng, giảm chừng 50% so với cùng kỳ năm trước), dự tính thu từ nhà máy bia giảm 400 tỷ trong năm nay, thủy điện thiếu nước phát điện nên sẽ tiếp tục hụt thu. Dư địa cho nguồn thu ngân sách trông mong vào các dịch vụ du lịch được khai trương, nhưng nay đình hoãn. Trong khi sản xuất công nghiệp của các ngành hàng chế biến chế tạo đều giảm so với cùng kỳ năm trước; tình trạng hụt nguồn cung nguyên liệu càng dẫn đến nguy cơ giảm doanh số, xấu nhất là dừng hoạt động, kéo theo thất nghiệp…

Với bức tranh nhiều màu xám như vậy liệu có tạo nên sự u ám, bi quan? Không ngoại trừ đâu đó xuất hiện trạng thái tâm lý ấy, nhưng chính lúc con thuyền kinh tế gặp sóng gió chòng chành càng cần bản lĩnh vượt khó. Ngành thuế và tài chính đang dự tính một đề án chống thất thoát nguồn thu, tìm giải pháp thu hồi nợ đọng lưu cữu, song hành đốc thúc việc giải ngân các công trình dự án để khơi thông dòng vốn chảy vào nền kinh tế. Ngành du lịch chuẩn bị kỹ các gói kích cầu để tung ra khi tình hình dịch lắng xuống. Ngành công thương rà soát nguồn cung nguyên liệu của các doanh nghiệp, để đề xuất bộ chủ quản và Chính phủ có hướng tháo gỡ bằng cách hỗ trợ qua các thương vụ tìm thị trường mới. Ngành nông nghiệp tái cơ cấu các mặt hàng nông sản xuất khẩu qua tiểu ngạch, tìm hướng xuất chính ngạch, đồng thời đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để đưa ra thị trường nội địa… Nói chung, ngành nào cũng phải tìm giải pháp thích ứng, nếu thúc thủ thụ động thì chẳng còn gì và cũng chẳng có gì thêm.

Doanh nghiệp đứng hàng đầu trong việc duy trì và phát triển sản xuất, góp phần cho tăng trưởng, vì vậy cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải chung tay tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách thủ tục đầu tư, về mặt bằng. Đáng nói là những doanh nghiệp “đầu kéo” như Thaco cần hỗ trợ đắc lực, nhất là với dự án của Thadi, đang ách tắc mặt bằng xây dựng chuỗi nhà máy chế biến nông sản (quy mô hơn 450ha). Các doanh nghiệp có các ngành hàng bị ảnh hưởng như may mặc, da giày và các doanh nghiệp du lịch cần hỗ trợ bằng chính sách tín dụng như giảm lãi suất vay đầu tư, khoanh nợ, giãn nợ thuế… Các doanh nghiệp xây dựng cần phải nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành thanh toán khối lượng các công trình cầu đường trọng điểm, công trình chào mừng đại hội đảng các cấp.

Dù theo kịch bản tăng trưởng nào thì cũng phụ thuộc vào động thái của chính quyền cùng doanh nghiệp; chủ động, năng nổ, sáng tạo thì sống; ngược lại chỉ ngồi đó kêu than thì bế tắc. Chính quyền, ngoài việc xúc tiến hỗ trợ đầu tư để tạo dư địa tăng trưởng thì phải cắt giảm tối đa các chi phí, giảm tổ chức các hội hè chè chén, quà cáp biếu xén (vụ Hải Phòng gây xì căng đan khi dự định tặng quà tới 269 tỷ đồng mua ấm chén là bài học nhãn tiền).

NGUYỄN ĐIỆN NAM