Chưa nhấm đà say...
Lần đầu tiên trong đời về chạp mả ở quê nhà mà nghe ồn ã chuyện rượu bia đến thế.
Anh họ kể đi hỏi vợ cho cháu uống ly rượu mừng rồi chạy xe bị phạt. Em họ chạy tránh phạt. Chú họ băn khoăn có nên uống chén rượu cúng ông bà hay đổ đi (sợ mang tội). Bác họ nói uống rồi đi bộ dắt xe về cho chắc. Còn đứa cháu thở hắt ra vì quán nhậu buôn bán ế ẩm, khách không tới uống bia, chưa biết tính sao...
Phía các bà, các cô, chị em bạn dì thì bày tỏ ủng hộ nhà nước phạt mấy ông lái xe mà uống rượu. Phạt càng nặng càng tốt. Anh em ở xa như Đà Nẵng, Tam Kỳ có cớ dọt lẹ, tránh né lời mời, bảo không có tiền nộp phạt đành chịu!
Cả phía “ấm ức”, lẫn bên “tán đồng” việc thực hiện nghị định phạt người điều khiển phương tiện giao thông mà có nồng độ cồn, cứ ồn ào tranh luận, phân tích, xem ra mọi điều chưa ngã ngũ. Nhưng tất cả rồi cũng thúc thủ, bởi thực tế không ai dám vi phạm cả bởi đánh vào túi tiền là đau lắm. Người hiểu chuyện nói ra một điều có lẽ “dĩ hòa vi quý” rằng đâu đó rồi cũng vào trật tự. Như hồi cấm đốt pháo, bàn ra tán vào, nào ảnh hưởng tập tục văn hóa, nhưng rốt cuộc cấm là cấm. Câu thơ cũ “cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, nay sửa đi, bỏ “tràng pháo” thay thứ gì đó là xong. Giờ hạn chế bia rượu, lái xe thì uống… nước khoáng, nước ngọt vậy cũng tốt thôi, dần quen thôi.
Bàn chuyện phòng chống tác hại rượu bia, nghĩ theo hướng tích cực thì nhiều cái được. Dân quen nhậu số đông có kháo nhau tìm cách chống chế việc bắt bớ, nhiều kiểu luồn lách tránh thổi máy đo độ cồn, dắt bộ,… nhưng rõ ràng “phong trào nhậu” từ đây sẽ giảm ít nhiều vì sợ phạt khi lái xe, hoặc không phải ai cũng có tiền đi taxi để nhậu. Dĩ nhiên, dịch vụ buôn bán nhà hàng quán nhậu sẽ tìm cách thích ứng, như bao thêm dịch vụ đưa đón khách ăn nhậu về nhà, nhưng bợm nhậu hẳn sẽ dần cố thủ, rủ nhau đến nhà nhậu cho đã rồi nghỉ qua đêm. Biết rằng kinh doanh ăn uống sẽ ít nhiều tác động, giảm nguồn thu, kinh tế đêm theo các phố đêm cũng vãn sớm, nhưng cái lợi cho xã hội không ít, nhất là sức khỏe dân chúng.
Vậy còn văn hóa rượu thì sao?
Một tài liệu cho biết 8 ngàn năm trước công nguyên, tức thời đại đồ đá, con người đã biết làm ra rượu. Vị thần rượu ở Hy Lạp gọi là Dionysos, ở La Mã gọi là Bacchus. Theo quan niệm Tây phương, Bacchus là thần của rượu, của sự say mê, của nghề trồng trọt, của sân khấu. Một số nước châu Âu có cánh đồng nho thì coi Bacchus là thần rượu của nước họ. Giờ đây, ngành chế biến thực phẩm lên men, trong đó có việc làm ra rượu bia, đem lại sự khá giả cho nhiều quốc gia. Nhiều nước phát triển có công nghệ chế biến rượu bia đạt đỉnh cao, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của họ như Pháp (với các loại rượu nho), Trung Quốc (rượu Mao đài), Nhật (rượu sa kê), Đức, Tiệp Khắc (bia)… Nhiều nước có lễ hội văn hóa gắn với rượu bia, sinh hoạt dân chúng nhiều nơi trên toàn cầu cũng dùng bia rượu làm đầu câu chuyện của yến tiệc chiêu đãi. Nhưng tất cả đều có cách hạn chế tác hại của bia rượu cả, nhất là trong lĩnh vực giao thông. Một thống kê cho thấy 28 quốc gia (trong đó có Việt Nam) phạt lái xe có nồng độ cồn, còn hàng trăm quốc gia khác thì phạt theo mức đo số miligam cồn/lít khí thở, (từ 0,1 đến 0,8). Nghĩa là ở đâu cũng có rượu mời và… rượu phạt cả!
Văn hóa người Quảng, xưa đã ngâm nga “Rượu hồng đào chưa nhấm đà say”, là cách nhắc nhở một lối ứng xử nồng nàn tình cảm không nệ có dùng hay không dùng rượu. Tiên tửu là thứ rượu có khi không uống mà say. Dù xưa đã bày như thế, nhưng nay bắt chước “ứng vạn biến” qua thời gian sẽ “ngấm”, nhất là việc “ngấm chính sách” hạn chế tác hại bia rượu.