Lời cảnh báo của "người già"

NGUYỄN ĐIỆN NAM 24/12/2019 14:12

Chùa Cầu (Cầu Nhật Bổn, Lai Viễn Kiều) là công trình mang tính biểu tượng cho phố cổ Hội An. Nhưng 400 năm trôi qua, chiếc cầu đã như một người già bệnh nặng vì sức khỏe xuống cấp mà báo chí truyền thông tiếp tục lên tiếng cảnh báo.  

Được biết, khi Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An thực hiện cuộc khảo sát di tích đặc biệt nằm trong quần thể kiến trúc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới càng thấy rõ sự mục nát của Chùa Cầu. Như hệ thống chịu lực chính, quan trọng là móng, mố, trụ đã xuống cấp thấy rõ. Thân cầu có nhiều vị trí liên kết giữa đòn tay đỡ mái với các cột bị mục, nhiều thanh xà gỗ đỡ mái ngói bị nứt nẻ, cong vênh. Các phần mố trụ đỡ xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc vôi vữa. Phần mái nhiều chỗ mục, bị dột nước mưa. Ở một số vị trí, nước mưa thấm vào phần mối nối khiến gỗ bị mục, vữa tường nứt loang lổ. Còn mặt cầu được làm bằng gỗ, hàng ngày bị bào mòn thêm vì phải gánh bước chân du khách tham quan.

Không riêng Chùa Cầu, gần 1.400 di tích cổ của Hội An cũng phải gồng mình chống đỡ sự bào mòn, có di tích nguy cơ suy sụp vì “luống tuổi”. Đặc biệt, hơn một ngàn nhà cổ vẫn phải chống chọi tình trạng mục nát tiếp diễn, cột kèo lở lói, mái ngói rêu phong oằn mình dưới những cơn mưa…

Còn ở Mỹ Sơn, những ngôi đền tháp nghìn năm tuổi phải chống chọi với tình trạng xuống cấp, canh cánh nỗi lo bị sụp đổ. Mà cũng từng xảy ra chuyện sụp đổ, như sau trận lũ đầu mùa năm 1996 sập một nửa tiền sảnh tháp G1; năm 1997 sập ba phần tư tường nam tháp E6; năm 1998 sập vòm trước tháp E7; năm 2003 một mảng gạch tháp E7 bị rơi xuống do ngấm nước lâu ngày... Đáng kể là khó cưỡng nổi sự bào mòn, khiến nhiều đền tháp càng ngày càng “thấp hơn và nhỏ lại”.

Có thể đã, đang và sẽ vẫn còn triền miên lời cảnh báo từ di tích cổ kính – như tiếng rên của người già nua mỗi khi trái gió trở trời, là bệnh cũ tái phát. Chấp nhận thực tế bệnh kinh niên đó chăng? Không, vì trân quý các di sản của cha ông để lại, người Quảng hôm nay vẫn đang tìm cách để bảo tồn, trùng tu. Nhưng quả thật là khó. Như trở lại với Chùa Cầu, di tích này đã được tu bổ lớn 7 đợt (vào các năm 1763, 1815, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996)  từ nhiều nguồn vốn khác nhau và nhiều lần tu bổ nhỏ ở hệ mái, hệ vì kèo, trụ, đà, sàn… của di tích. Đến năm 2016, UBND tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học “Trùng tu Chùa Cầu - Quan điểm và giải pháp” nhằm tìm kiếm giải pháp tu bổ di tích. Song gần 3 năm qua, chung quanh di tích Chùa Cầu mới triển khai được các hạng mục nền đường, vỉa hè và hồ điều hòa; điện chiếu sáng tổng thể; cấp nước và xử lý môi trường. Còn phương án đại trùng tu Chùa Cầu thì vẫn chưa thực hiện nên nay còn phải chống đỡ tạm bợ. Do thực trạng đó mà Hội An đành phải hạn chế khách tham quan để tránh tác động xấu thêm lên di tích.

Cái khó trong việc trùng tu các di tích, nhất là các công trình kiến trúc cổ, là ở chỗ phải làm thế nào mà không “trẻ hóa các cụ già”. Như người ta đã từng bàn phương án hạ giải Chùa Cầu để đại trùng tu nhưng nỗi lo là công trình 400 năm tuổi, sẽ hóa thành… 1 tuổi. Bắt bệnh không khó nhưng chữa bệnh già là khó, đâu phải như bạc tóc là cho uống hà thủ ô (?!). Cho nên nghe lời cảnh báo về sự xuống cấp của di tích là cần thiết, cấp thiết, nhưng chớ vội làm càn, làm dối. Ở chiều ngược lại, cũng đừng thấy quá khó mà chậm chạp trùng tu vì các kiến trúc cổ như “người già” đã quá tải vì tuổi tác. Vấn đề là những địa phương liên quan cần thường xuyên rà soát việc quản lý các di tích, di sản kiến trúc xuống cấp, xây dựng sẵn sàng phương án khoa học khả thi để trùng tu.

NGUYỄN ĐIỆN NAM