Tìm dấu xưa xe ngựa...

NGUYỄN ĐIỆN NAM 11/11/2019 14:52

Nghe thông tin Điện Bàn triển khai đầu tư xây dựng Công viên di tích Dinh trấn Thanh Chiêm (dự toán khoảng 40 tỷ đồng), lòng khấp khởi mừng. Bởi đó là mong muốn của nhiều người, nhất là các nhà nghiên cứu văn hóa, đã nhiều lần đề đạt ước vọng phục dựng mô hình dinh trấn dưới thời chúa Nguyễn.

Kẻ Chiêm - Dinh Chiêm, là địa danh in đậm dấu ấn lịch sử mở nước của cha ông. Nơi đó, những thái tử thế tập đã tu dưỡng, rèn luyện thuật trị nước, trước khi về kinh sư lên ngôi chúa. Nơi đó, từng đã có một thời vang bóng “ngựa xe như nước” hội tụ nhân tài kẻ sĩ Xứ Đàng Trong. Đặc biệt nơi đó, là một trong những chiếc nôi khai sinh chữ Quốc ngữ, được một giáo sĩ phương Tây ghi nhận: “Kẻ Chiêm (tức Thanh Chiêm - nơi đặt dinh trấn) vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm của triều đình. Ở đây người ta nói rất hay, có sự đổ dồn của những người trẻ tuổi đến mà họ là những sĩ tử và bên họ, những ai bắt đầu học tiếng có thể tìm thấy mọi sự giúp đỡ”. Các giáo sĩ phương Tây như Francisco de Pina Buzomi, C. Borri, Alexandre Rhodes, Antonio Fonte… đã từng cư trú và học tiếng ở nơi ấy, rồi góp công xây dựng và truyền bá chữ Quốc ngữ. Đặc biệt, từ năm 1621-1625, tại Hội An và Thanh Chiêm, linh mục Francisco de Pina đã học tiếng Việt, truyền đạo bằng tiếng Việt và dạy cho hai giáo sĩ là Alexandre Rhodes và Antonio Fonte. Đến năm 1651, A. de Rhodes cho ra đời Từ điển Việt - Bồ - La , Ngữ pháp tiếng Việt, Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội, được xem là mốc hoàn thành chữ Quốc ngữ.  Cũng phải kể công lao của người Nhật trong việc này, như nghiên cứu của Fukuda Yasuo, rằng “người Nhật có liên quan sâu sắc tới quá trình thiết lập phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latin”. Bởi, Hội An từng tiếp nhận ít nhất hơn 500 người Nhật theo đạo Kitô chỉ trong năm 1619. Những người Nhật theo đạo Kitô đã làm thông dịch cho các giáo sĩ Bồ Đồ Nha, từ đó góp công khai sinh chữ Quốc ngữ. Trong hồi quang của ký ức, chỉ riêng điểm nhấn của một bức tranh cũng để đủ cảm nhận hồn cốt của một vùng văn hóa đã vang danh quốc tế, đó là bức tranh  “Shuin-sen Kochi toko zukan” - Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển (lưu tại Bảo tàng Quốc lập Kyushu của Nhật Bản). Bức tranh ấy vẽ cảnh các thương nhân người Nhật đã được thế tử của chúa Nguyễn tiếp đón ân cần tại Dinh trấn Thanh Chiêm.  

Phải qua nhiều hội thảo, tổ chức nhiều sự kiện, như hội thảo “400 năm Dinh trấn Thanh Chiêm” (2002), rồi “Ngày hội 405 năm Dinh trấn Thanh Chiêm (2007), hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ” (2016), những giá trị lịch sử và văn hóa của dinh trấn xưa mới được nhìn nhận tương đối thấu đáo. Càng kỳ công hơn là những cuộc điền dã khảo cổ học, những chuyến đi về khai quật tư liệu của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đã làm sống dậy những ảnh tượng quá khứ hết sức sinh động của vùng dinh trấn xưa. Sẽ không thể quên sự đóng góp to lớn của giáo sư Trần Quốc Vượng, nhà văn - nhà nghiên cứu “Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân, đã góp phần định danh Dinh trấn Thanh Chiêm trên bản đồ địa điểm lịch sử văn hóa không thể bỏ qua khi nghiên cứu về Xứ Đàng Trong.

Còn lại gì ở Kẻ Chiêm - Thanh Chiêm để phục dựng? Sẽ khó có bức tranh đầy đủ về Hành cung, Thành vệ, Vọng khuyết, Kho Muối, Mô Súng, Tàu Tượng, Đàn Tiên nông, Gò Sứ (Gò Xử), đình làng An Quán, Văn miếu, Trường Đốc, Đền thờ Bà Vú… Nhưng hãy cứ bắt đầu với không gian Dinh trấn và bảo tàng về chữ Quốc ngữ, đồng thời giữ lấy những công trình hiện còn như chùa Hội Phước, chùa Phú Thọ, các đình làng An Nhơn, Đông Khương, nhà thờ làng đúc Phước Kiều, nhà thờ Hiếu Chiêu Hoàng hậu, nhà cổ, giếng cổ… cũng đủ làm cho Thanh Chiêm sẽ thành nơi dừng chân đứng lại ngắm một trời non nước trên “con đường di sản”.

NGUYỄN ĐIỆN NAM