Tội... cái mũi!
Trải qua thời thơ bé ta thường được nghe những câu chuyện hay về cái mũi. Truyện cổ tích về chàng Đê kể, có người vợ tham lam lấy trộm viên ngọc quý cho phép cầu được ước thấy. Rồi chàng Đê được thần chỉ bảo đã gắn bông hoa có mùi hương lạ khiến cô vợ ngửi phải nên mũi dài chấm tới nền nhà, nên đành cầu xin chồng làm phép trả lại dung nhan đẹp đẽ. Chuyện các hoàng hậu hay “Cậu bé mũi dài” cũng kể về cái mũi bị biến dạng khi có ý nghĩ không hay. Nhà thơ Phạm Hổ chuyên viết cho thiếu nhi đã có bài thơ “Tâm sự của cái mũi” khá duyên dáng: “Tôi là chiếc mũi xinh/ giúp bạn biết bao điều/ ngửi hương thơm của lúa/ hương ngạt ngào của hoa…”.
Nhưng cái mũi giờ đây bị làm tội bởi những mùi xú uế không ngửi nổi. Như cơn “khủng hoảng nước” ở thủ đô là minh chứng. Dùng cái mũi để cảm nhận nên nói là nước có mùi khét, mùi lạ, rồi chính ông đứng đầu nhà máy bán nước cũng nói: “Có thể khách hàng phản ánh nước có mùi lạ là do mùi Clo”. Nhưng ông lại thừa nhận “thực ra mùi chỉ là cảm nhận” và không dám chắc công nghệ xử lý được. Tệ hơn nữa, dù nghi ngờ nhưng ông vẫn không cho dừng cấp nước cho tới khi thành phố khuyến cáo rằng “mùi lạ” của nước sinh hoạt là do nhiễm bẩn từ dầu thải, từ chất Styren vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Như thế ngay từ đầu những cái mũi ngửi không ra mùi đã khiến cho mọi việc trở nên náo loạn, khủng hoảng truyền thông và người dân xếp hàng lấy nước như thời bao cấp. Mùi gian dối, mùi độc quyền, mùi vô trách nhiệm… là những thứ khiến mũi…bị điếc hay sao?
Không gian sống hiện tại còn bao phủ bởi những mùi độc hại. Sông, biển ô nhiễm làm cá, tôm nuôi chết trắng. Các nhà máy xả thải chất độc hại ra môi trường gây mùi nồng nặc như các nhà máy cồn, nhà máy nhiệt điện. Đặc biệt gần đây mùi rác thải giăng mắc khắp cùng các thành phố lớn đến đô thị mới nổi. Báo chí gọi đó là “khủng hoảng rác”. Như ở Đà Nẵng, Huế các khu xử lý rác đang quá tải; Hạ Long đóng cửa hai bãi rác chôn lấp; người dân Hà Nội sống gần bãi rác chặn xe đổ rác vào vùng họ sống; Quảng Ngãi, Hà Tĩnh gặp căng thẳng giữa chính quyền và người dân về bãi rác chôn lấp gây ô nhiễm. Trong khi đó, tại Quảng Nam, rác đầy ứ lên hàng chục tấn mỗi ngày, người dân mang vứt dọc các con đường mặc mưa nắng, gió bay, bốc mùi hôi thối…
Kể tội cái mũi ắt phải dẫn đến năng lực tư duy và xử lý khủng hoảng môi trường của chính quyền. Cái mũi chỉ là khứu giác, còn vận dụng hết giác quan để cảm nhận, dùng dụng cụ công nghệ để đo lường, ắt sẽ thấy ô nhiễm môi trường là vấn nạn cảnh báo cho cả xã hội. Vai trò của chính quyền là dự báo và cảnh báo, đồng thời phải can thiệp để xử lý khủng hoảng (nước, không khí, rác thải…) liên quan thiết thực đến đời sống dân sinh. Càng làm công nghiệp hóa và đô thị hóa bừa bãi, không quy củ, ô nhiễm môi trường càng dữ dội, gây nên bức xúc của dân chúng. Hơn thế nữa là mùi không trong sạch vì không minh bạch như việc đưa ra thông tin bất nhất từ vụ cháy nhà máy Rạng Đông mà nay là nước sinh hoạt.
Có những mùi gian dối sẽ làm cái mũi phản ứng. Hình tượng cậu bé Pinocchio của nhà văn Carlo Collodi là ví dụ: Mũi của Pinocchio sẽ dài ra khi cậu nói dối và co lại khi nói thật. (Các nhà khoa học Tây Ban Nha cho rằng họ chứng minh được điều này, bằng cách đo nhiệt của mũi: Khi một người nói dối, nhiệt độ của đầu mũi giảm 1,2 độ C). Cho hay, minh triết của câu danh ngôn thật ý nghĩa, rằng: Biết ngửi mùi nắng gió, có thể thấu suốt sự Trời, Đất; Biết ngửi mùi vạn vật, tất cả hiện lên rõ ràng!
Từ cổ tích xa xưa tới ngày nay và mai sau, cái mũi sẽ vẫn gắn lên khuôn mặt người đời đủ cả chuyện bi hài, thơ mộng và ác mộng.