Cải gia vi tự, cải thực thành hư...
Gần đây có hiện tượng mà PGS-TS. Đoàn Triệu Long, một nhà nghiên cứu về tôn giáo ở Đà Nẵng đã cảnh báo là chuyện “cải gia vi tự”. Trên cơ sở điền dã, khảo sát cơ sở thờ tự ở nhiều vùng (trong đó có Quảng Nam), ông Long cho biết có một số người đã bỏ nơi tu tập chính quy, chính thống để về cải tạo nhà riêng thành chùa, thành nơi thờ tự và tổ chức sinh hoạt tôn giáo.
Hiện tượng nêu trên đặt ra vấn đề phức tạp cho cả giáo hội và chính quyền sở tại. Đặc biệt là có những chùa làng, “chùa nhà” tự dưng xuất hiện ông sư trụ trì, khiến cho việc quản lý sinh hoạt tôn giáo, xét cả tư cách pháp nhân lẫn đạo đức, đều rắc rối. Càng “nhạy cảm” hơn khi các “chùa nhà” cũng đặt hòm công đức, thùng phước sương để bá tánh đến cúng dường, gây ra nhiều điều tiếng. Và làm sao có thể ngăn ngừa chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” nếu các vị giả sư, giả tăng trà trộn, lười biếng lao động nhưng kiếm tiền được từ cách bày trò như vậy ở các hang cùng ngõ hẻm. Không thiếu trường hợp sư vãi sinh hoạt bừa bãi, nhậu nhẹt, quan hệ tình ái lung tung, chuyên đi cúng giải vong, đã bị phát hiện, làm xấu mặt hình ảnh tôn giáo. Như mới đây, ở phía Nam lại phát hiện một vị sư bạo hành trẻ em, còn ở phía Bắc có ông sư đòi quan hệ tình dục (!?).
Bên cạnh việc “cải gia vi tự” là tình trạng “cải thực thành hư” xảy ra ở nhiều cơ sở thờ tự tín ngưỡng và tôn giáo. Sự việc mới lộ ra ở Tây Ninh có thể xem là điển hình khi biến cải, giả mạo các giấy tờ cổ xưa như sắc phong của vua triều Nguyễn đối với vị thần của làng. Rồi như vùng quanh chùa Địa Ngục ở Tam Đảo, cũng hư ảo hóa các di tích, giếng cổ, miếu cổ, dựng nên truyền thuyết hư ảo để hướng đến xây dựng một khu du lịch tâm linh (?). Sẽ còn nhiều phức tạp nếu đi sâu vào các ngôi làng, di tích đình chùa, miếu mạo, kiến trúc “cũ” biến thành “cổ”. Hàng ngàn lăng miếu, miễu, am, đền, phủ, điện thờ… ai thực chứng được tài liệu lịch sử giả trá để rồi tự dưng được dựng lại làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng. Nếu một thực thể trần trụi có thật bỗng trở nên hư huyền bằng cách phủ lên những màu sắc lịch sử, văn hóa, rồi cúc cung thờ cúng vậy có đúng không? Đây là câu hỏi mà các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa sẽ phải trả lời.
Việc minh định những gì thuộc về văn hóa vật thể cũng còn dễ, nhưng nếu “đập cổ kính ra tìm lấy bóng” với văn hóa phi vật thể càng khó. Cho đến nay, nhiều truyền thuyết, chuyện kể, câu ca còn chưa tìm ra nơi xuất xứ, thời điểm xuất hiện. Lại có việc tưởng vui nhất thời nhưng rất di hại về lâu dài là việc bịa tạc ra tư liệu lịch sử và văn hóa dân gian khi đi sưu tầm. Nhớ đâu đó có chuyện rằng sinh viên các trường khoa học xã hội nhân văn đi sưu tầm văn học dân gian, đã tự “sáng chế” mấy câu vần vè theo kiểu ca dao, tục ngữ, hay chế ra những chuyện kể rồi gắn đại cho di tích, con người ở vùng quê nào đó. Lâu dần, nếu tài liệu ấy được sử dụng vào các chuyên khảo, tiểu luận khoa học, e sẽ dẫn đến tình trạng “lộng giả thành chân”, không phân biệt được đâu là thực đâu là hư.
Nào phải chỉ có hàng giả, thuốc ung thư giả, còn có nhiều thứ của giả trong cả tôn giáo, tín ngưỡng và sinh hoạt đời thường. Không dự lường, cảnh báo và có biện pháp ngăn ngừa, xử lý, răn đe, e có ngày sa đọa về nhân cách trở thành bệnh dịch tràn lan.