Điều bình thường lớn lao
Những ngày này, ở phố, từ trường học, cơ quan, khu phố đã thấy phát quà bánh và tổ chức cho các em vui hội trung thu. Lan man lại nghĩ đến các em ở những điểm trường xa xôi hẻo lánh, các em có được phá cỗ và vui hội trăng rằm như trẻ ở phố?
Tuần qua, có hai câu chuyện về giáo dục của Quảng Nam, tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận.
Thứ nhất là câu chuyện về 2 cô giáo và 34 học sinh ở điểm trường Tắk Pổ. Đây là một trong nhiều điểm trường của trường PTDT Bán trú Tiểu học Trà Tập, nằm trên dãy Ngọc Linh (Nam Trà My). Điểm trường cách trung tâm thị trấn chừng 10km nhưng phải lội bộ đường rừng gần 2 tiếng mới đến nơi. Tuần trước, cả nước xúc động vì những hình ảnh khai giảng được phát đi từ Facebook của các cô giáo ở điểm trường này (sau đó được nhiều tờ báo đăng tải). Tuần này, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My đã đến và tặng giấy khen cho cô giáo Trà Thị Thu và Riah Uôi vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục trên địa bàn huyện.
Thứ hai là chuyện phụ huynh phản đối việc sáp nhập trường cấp tiểu học ở thôn An Long (xã Quế Phong, Quế Sơn) và kiên quyết không cho con đi học ở điểm trường mới. Theo kế hoạch, trong năm học mới 2019-2020, điểm trường thôn An Long sẽ sáp nhập về điểm trường thôn Thuận Long, cùng thuộc trường Tiểu học Quế Phong. Lý do điểm trường An Long còn quá ít học sinh (10 em), huyện cho rằng không thể đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học.
Thông tin từ Phòng GD&ĐT huyện Quế Sơn, đến ngày 12.9, đã vận động thêm được gia đình… 1 học sinh, 9 em kia sẽ tiếp tục vận động, vì không còn cách nào khác. Tính chuyện bán trú thì quá khó, vì không có nguồn kinh phí lẫn con người cho việc này. Do đó, phương án dự tính sẽ là bán trú tư nhân nhưng cũng chưa chắc gì được bởi như vậy kinh phí của phụ huynh cho việc học của con em sẽ cao hơn nhiều. Việc sáp nhập được triển khai từ hơn 2 năm trước nhưng không thực hiện được do ngay từ lúc đó đã vấp phải sự phản đối của phụ huynh nên Phòng GD&ĐT huyện đã bố trí 4 giáo viên về phân hiệu dạy. Hãy nghe một phụ huynh bày tỏ tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT, rằng “điểm trường cũ cách nhà 3km, điểm trường mới cách 6km trong khi phải qua nhiều đèo dốc. Ngày 4 lần đi về đưa đón bằng xe đạp, không kham nổi, vì cha mẹ các em phần lớn là công nhân, đi làm từ rất sớm, việc đưa đón giao cho ông bà”.
Tự dưng lại muốn nhớ đến chuyện về một nhà ga ở Nhật Bản phục vụ mỗi một hành khách trong suốt 3 năm, cho đến khi nữ sinh này tốt nghiệp phổ thông trung học. (Dù trước đó, nhà ga đã có kế hoạch đóng cửa vì doanh thu giảm đáng kể). Bạn đọc trong nước, nhiều người trầm trồ thán phục vì cách phục vụ rất nhân văn này. Cũng không ít người cho rằng, đã quá “lãng mạn hóa” sự việc. Nhưng đây được cho là một hành động hết sức bình thường ở Nhật. Và đó là bài học về giáo dục đáng để chúng ta suy ngẫm.
Hai cô giáo ở điểm trường Tắk Pổ, sẽ chẳng nghĩ đến chuyện mình bỗng dưng nổi tiếng trên cả nước với việc tổ chức một buổi lễ khai giảng đơn sơ mà ấm cúng cho các em. Các cô chỉ làm một điều bình thường, làm một giáo viên bình thường để quãng ngày đi học, đến trường của những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Sự bình thường đó mới làm nên những điều kỳ diệu.
Có thể nào cố gắng để cho các em ở An Long vẫn tiếp tục được đến điểm trường cũ? Tương tự điều bình thường như nhà ga ở Nhật Bản kia. Nhưng nó sẽ trở nên lớn lao biết nhường nào, là bài học yêu thương cho các em suốt hành trình làm người. Sẽ nhiều khó khăn, nhưng dù gì cũng đã xoay xở được 2 năm học qua. Đó mới là điều đáng nói, chứ đơn thuần chỉ là một mệnh lệnh hành chính như cách lý giải lãnh đạo ngành giáo dục “việc di dời, sáp nhập là không thể chậm trễ hơn nữa” thì quá giản đơn.