Di sản đầy trong di sản

NGUYỄN ĐIỆN NAM 10/09/2019 09:51

Một ngày gần cuối năm 1999, những nhà báo chúng tôi quăng quật qua con đường gió mưa tầm tã để ghi dấu khoảnh khắc đón nhận bằng công nhận hai Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Hội An.

Còn nhớ ở ngã ba lên Mỹ Sơn mới ủi ra một sân bãi làm lễ, mưa và bùn sền sệt, lướt thướt người đến dự. Nhưng vẫn cảm nhận được giọt nước mắt hạnh phúc của những người đã bao năm vất vả giữ gìn di sản, làm hồ sơ để UNESCO công nhận rồi tổ chức lễ trọng ấy. Đặc biệt là người dân ven bờ sông Thu cùng khắp miền đất Quảng mang nỗi háo hức và khao khát về sự kỳ diệu của cuộc hồi sinh di sản trong tương lai. Lúc đó chợt nghĩ, người dân chính là di sản trong lòng di sản. Nhiều năm trôi qua, càng thấy điều đó đúng, cả về ký ức, tâm hồn và tình yêu nữa.

Trải qua bao cuộc chiến tranh khốc liệt rồi khó nghèo vây bủa mà sao lòng dân thơm thảo còn giữ gìn được những tháp cổ, ngôi nhà cổ của ông cha? Dù mất mát khá nhiều nhưng ngay thời khắc năm 1999, trong lòng Đô thị cổ Hội An thống kê còn 1.360 di tích, trong đó có khoảng 1.100 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 ngôi đình, 44 mộ cổ loại đặc biệt… Với Mỹ Sơn, khi người Pháp tiến hành khảo sát cuối thế kỷ 19 còn tới 70 đền tháp, sau đó sụp đổ thêm vì bom đạn, nhưng những ngọn tháp kỳ vĩ huyền bí vẫn còn. Đó là những vốn liếng quý báu của các bậc tiền nhân lưu lại cho hậu thế, để từ đó sau khi được công nhận Di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn đã làm cuộc hành trình 20 năm bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Nhưng các di sản vật thể với các hiện vật tồn sót sẽ vô hồn nếu không có hơi người phả lên đó những tình yêu, hoài niệm và cả những ý tưởng, suy tưởng mới. Là nói chuyện vốn văn hóa phi vật thể cũng theo các khu di tích, di sản mà sống lại những cung bậc diệu kỳ. Bài chòi cũng những câu hò xứ Quảng, hát sắc bùa, hát lý, những điệu dân ca dân vũ của Chăm, Cơ Tu… được phục dựng trên các lễ hội “hành trình di sản”, rồi thành nếp sinh hoạt văn hóa văn nghệ rất đặc trưng thường thấy mỗi mùa trăng. Phả lên những cung thương cung trầm là niềm yêu vùng đất và con người xứ sở.

Bao cuốn sách nghiên cứu nối tiếp ra đời, khảo sát về vùng văn hóa xứ Quảng, về di sản, làm đầy thêm quang gánh suy tư và trăn trở làm sao giữ gìn vốn quý của cha ông. Rồi bao cuộc trùng tu, chống chọi bão lũ kinh người. Rồi lại thêm nhờ biết “hội nhân, hội tụ văn hóa”, người Quảng kết tình kết nghĩa với các vùng văn hóa trong nước và quốc tế để tổ chức rất nhiều sự kiện, làm đầy thêm sắc màu di sản phong phú và đa dạng... Thực như với ước vọng kết nối “con đường di sản thế giới”, ta ở trong nhân loại và nhân loại ở trong ta, Hội An và Mỹ Sơn mỗi ngày một vang tiếng toàn cầu.

Đi về đâu sau 20 năm? Nhiều năm sau nữa, những điều mà thế hệ hôm nay đã làm cho di sản cũng sẽ trở thành ký ức của di sản. Di sản luôn sống trong lòng dân là mạch nguồn của tình yêu quê hương, đất nước, nên hãy tiếp tục tạo di sản tâm hồn để đầy thêm di sản. Hãy nhớ dù muốn phát triển kinh tế trên nền di sản theo hướng nào, lĩnh vực gì, cũng cố mà giữ lấy sinh thái thiên nhiên và văn hóa. Hãy làm giàu có cho người dân trên vùng di sản được hưởng lợi nhưng luôn bảo bọc trong môi trường văn hóa trong trẻo. Hãy bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế nào để như ngọn tháp Mỹ Sơn mãi thâm nghiêm cho người đời suy nghiệm về mưa nắng nhân tình, như giếng cổ Bá Lễ (Hội An), đầy mà không tràn, càng múc càng trong…

NGUYỄN ĐIỆN NAM