Tuyên truyền phòng chống tội phạm
Những thông tin về an ninh trật tự và phòng chống tội phạm, thường hiện diện trên nhiều tờ báo và có một lượng độc giả không nhỏ luôn quan tâm. Vì thế, một số chủ báo đã đưa ra “công thức” khái quát với “5 chữ T”, là: TÌNH, TIỀN, TÙ, TỘI, TỰ TỬ, hoặc: TÌNH, TIỀN, TÙ TỘI, TỰ TỬ, TAI NẠN. Theo đó, nhiều tờ báo chú ý những gì thường gây nên sự hiếu kỳ của người đọc, nhất là giới bình dân.
Dưới góc độ thiên chức xã hội của báo chí, nhà báo thường đi tìm và phản ánh những mảnh đời liên quan đến câu chuyện pháp luật. Báo chí dẫn dắt cho người đọc hiểu biết chính sách pháp luật để không phạm luật, ví như “công dân có thể làm những điều nhà nước không cấm”. Như thế, mặc nhiên nhà báo phải soi rọi các vấn đề công lý, đạo lý, vừa phải nắm rõ định chế pháp luật đồng thời cần thấu thị tình đời, tình người. Ở phương diện này, báo chí sẽ dẫn đường cho bạn đọc tìm hiểu về pháp luật, nhận diện những kẽ hở luật pháp, nhận chân được những thủ đoạn, mánh lới mà những kẻ xấu lợi dụng kẽ hở pháp luật hoặc bất chấp luật pháp tạo ra.
Công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm cần tổ chức song hành với tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngay ở một vụ việc, hiện tượng, hình ảnh tội phạm được phản ánh cũng để đi đến mục tiêu cuối cùng là giáo dục nhận thức, răn đe, ngăn ngừa những nguy cơ, giúp những ai quan tâm tìm hiểu sâu hơn về luật pháp. Giáo dục pháp luật tới lượt mình cũng chú trọng gắn kết với giáo dục ý thức về đạo đức. Pháp luật là quy định bắt buộc, đạo lý là sự quy ước xã hội gắn với thuần phong mỹ tục, làm sao chuẩn mực con người được xây dựng trên nền nhận thức biết ghê tởm, phẫn nộ với cái ác, rung động với cái thiện, từ đó việc tuyên truyền mới đạt hiệu quả, thấm sâu vào xã hội.
Để tuyên truyền một cách hiệu quả về đề tài, chủ đề phòng chống tội phạm, thiển nghĩ trước hết bản thân báo chí cần phải chú ý một số vấn đề về kỹ thuật truyền thông. Như không thể chấp nhận sự nhàm chán khi đăng tải vụ việc rồi đưa ra phần kết với mô típ quá nhàm (chẳng hạn câu: “Vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ”, lặp đi lặp lại nhiều lần trên các bản tin). Cần có sự phân tích mổ xẻ, còn nếu là thông tin ban đầu thì có nhận định sơ bộ của cơ quan chuyên môn, điều tra viên.
Theo đuổi vụ việc tới cùng, thông tin cập nhật liên tục, rõ ràng, đó là cách thức tác nghiệp của báo chí hiện đại (nhất là khi có thêm loại hình báo mạng, và sự trợ giúp của nguồn tin được mở rộng ra những người bình thường khi họ có thể tham gia đưa tin qua phương tiện máy móc hiện đại).
Cần cân nhắc liều lượng trong cơ cấu nội dung. Một kỳ báo không thể đăng tải từ trang đầu đến trang cuối những vụ việc, hình ảnh đen tối, mà nên cân đối các chủ đề giữa tiêu cực – tích cực, xấu - tốt… Chúng tôi nghĩ rất cần thận trọng trong mô tả hình ảnh cái ác, nhất là những vụ việc giết người dã man, không nên mô tả từng chi tiết quá rùng rợn đến mức đậm đặc (có thể gây hiệu ứng kích động tâm lý bất ổn, đồng thời còn có mặt “áp phê ngược” khiến giới tội phạm học và làm theo). Đặc biệt, trong hành trình tác nghiệp và xử lý thông tin tuyên truyền về phòng chống tội phạm, cần phải tìm cho được góc nhìn nhân văn. Chẳng hạn, nạn bạo lực học đường, những vụ trộm cắp vặt của học sinh, đó là điều cần cảnh báo trong môi trường giáo dục, song khi đưa hình ảnh luôn chú ý không làm rõ nét đối tượng (Bạn sẽ nghĩ gì vì một học sinh lỡ trộm một cái máy điện thoại rẻ tiền, lại bị đưa hình ảnh rõ ràng bêu rếu trên mặt báo? Bạn sẽ nghĩ gì khi một cô gái bị hiếp dâm bị đưa hình ảnh đậm đặc lên báo, rồi tương lai cô ấy có bị bao phủ bóng đen?).