Rẻ, còn chất lượng thì sao?
Một số tờ báo trong tuần qua đưa tin về danh sách 10 thành phố có chi phí du lịch rẻ nhất thế giới theo bình chọn của chuyên trang du lịch Price of Travel. Trong danh sách đó, Hà Nội đứng thứ nhất, TP. Hồ Chí Minh thứ hai và Hội An đứng thứ tám.
Căn cứ vào đâu để cho là rẻ?
Đó là dựa vào cách tính số tiền tiêu dùng với nhu cầu tối thiểu (gồm 1 chỗ nghỉ, 3 bữa ăn trong ngày cùng 3 suất bia giá rẻ, 2 chuyến xe giao thông công cộng và phí vào cửa tham quan một địa danh văn hóa tại một thành phố).
Chỉ số tiêu dùng này được gọi là Backpacker Index (diễn dịch theo người Việt là chỉ số Tây ba lô). Được gọi là rẻ nhất khi du khách chỉ cần 18,29 USD (hơn 400.000 đồng) để chi trả cho một ngày tại Hà Nội, và ở TP. Hồ Chí Minh là 19,47 USD (hơn 450.000 đồng). Còn đến Hội An của Quảng Nam chỉ cần có 21,2 USD (hơn 500.000 đồng).
Như vậy, “rẻ tiền” là loại hình “du lịch bụi”, đi theo kiểu “Tây ba lô”. Còn dù ở nơi chi phí rẻ như Hội An mà vào khách sạn hay khu nghỉ dưỡng cao cấp thì tiền thuê phòng ở ít ra cũng mất vài triệu đồng/ngày rồi.
Thực tế phân khúc khách với mức chi tiêu thấp như vậy vẫn là thị trường mà ngành kinh tế du lịch quan tâm. Bằng chứng là hay thấy các chương trình quảng bá truyền thông (PR) thường lấy tiêu chí tổ chức tour giá rẻ (thậm chí rẻ như các “tour 0 đồng”), hoặc giảm giá để chiêu dụ khách. Mặt khác, dù tiền bạc rủng rỉnh đi nữa nhưng phần lớn du khách cũng thích giá rẻ, trừ những “đại gia” muốn chơi theo kiểu đẳng cấp cao. Do đó, cạnh tranh du lịch, như mảng lữ hành vẫn nhắm việc chào hàng giá rẻ để thu hút khách. Thêm nữa có xu hướng mà những người thích tự do khám phá, trải nghiệm dài ngày muốn chọn “du lịch bụi” với chi tiêu nhất.
Rẻ thì khó đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ phục vụ, không thể ở khách sạn sang trọng cũng như thưởng thức các thứ sơn hào hải vị, nem công chả phượng được. Như đi Hội An, cứ ăn tô mỳ, uống nước chè xanh, ăn quà vặt là chè bắp, hến trộn… không tốn bao nhiêu tiền. Nhưng nếu vào nhà hàng gọi tôm hùm, yến sào… thì ví tiền phải dày. Cho nên, thực tế du lịch kiểu “Tây ba lô” chỉ đem lại doanh thu ít ỏi cho những cộng đồng thu nhập thấp, và thường lấy số lượng nhiều khách để “tích thiểu thành đa”. Nhân đây cũng cần cảnh báo về mặt tiêu cực của các tour du lịch 0 đồng, đó là sự biến tướng của dịch vụ. Do việc tìm kiếm doanh thu từ mua sắm hàng hóa dịch vụ ngoài tour 0 đồng để bù đắp cho chi phí tổ chức tour đã tạo ra sức ép lớn cho các công ty lữ hành gửi khách, nhận khách và hoạt động quản lý điểm đến, một số nguồn thu từ các dịch vụ mua bán hàng hóa của du khách chưa được quản lý chặt chẽ dẫn đến không kiểm soát được doanh số và thất thu thuế.
Điều đáng nói là trong danh sách thành phố có chi phí du lịch rẻ nhất đã kể thì các nơi đó đều thuộc các nước thu nhập còn thấp, phần lớn là Đông Nam Á (7 thành phố). Trong khi danh sách ngược lại là những thành phố có chi phí du lịch đắt đỏ nhất thế giới thuộc về những nước phát triển cao, chẳng hạn New York (Mỹ), Venice (Ý) và Zurich (Thụy Sỹ). Ở các thành phố này, du khách cần trung bình 120 USD (khoảng 2,8 triệu đồng) cho một ngày, nhưng du lịch vẫn phát triển mạnh.
Vậy chẳng nên lấy làm “vinh dự” khi quảng bá một điểm đến du lịch giá rẻ. Về lâu dài, đẳng cấp cao về dịch vụ du lịch mới là điều cần cổ xúy. Như với Hội An, tầm nhìn chiến lược vẫn là nhắm đến nhưng thị trường khách có chi tiêu cao (khách châu Âu chẳng hạn). Vì thế, không hẳn phải là giá rẻ mà việc phục vụ “khách sộp” tất yếu cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ tương xứng với đồng tiền bát gạo mà họ bỏ ra.
ĐĂNG QUANG