Cúng đất, cát, biển, rừng...

NGUYỄN ĐIỆN NAM 26/01/2019 22:48

Đã vào dịp tất niên, nhiều xóm làng bày ra mâm cúng đất. Đất cát vô tri có gì phải cúng? Nói vậy là lầm. Đất đã “hóa tâm hồn” với người Việt hàng nghìn năm trôi. Quả bầu mẹ sinh ra nhân quần, nhưng bầu là biểu trưng của đất. Có mẹ đất cha trời mới giao duyên phối ngẫu sinh ra muôn loài, cây cỏ. Vậy nên tục cúng đất đã có từ xa xưa, thượng niên và tất niên đều sắm sanh lễ vật để tạ ơn đất đai đã nuôi dưỡng con người.

Người Việt ở Đàng Trong xưa, như vùng xứ Quảng, ngoài ý niệm cúng đất là tạ ơn trời đất cũng còn tri ân các bậc tiền nhân mở đất lập làng. Các vị thổ địa, thổ công, thổ phủ, thành hoàng làng, “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh, khai cơ” luôn xuất hiện trong văn tế cúng đất. Nhưng ở Quảng còn vái vọng đầu tiên các thần cai quản xứ đất của người Chàm xưa, rất khiêm cung thành kính bày lễ vật “tá thổ” (là xin thuê đất, mượn đất sinh sống chứ không phải chiếm đất). Lễ vật trên mâm cúng cũng dành một phần kỉnh những tiên tộc người Chàm như Lồi Lạc Ông Ma Trà Chế, và cả “ma Chăm, ma chợ, ma mọi, ma rợ…”. Như thế, từ mâm cúng đất mà thấu hiểu nhiều cơ sự hình thành đất này, ít nhiều mang ý nghĩa lịch sử và bản sắc văn hóa.

Nói cúng đất cát là nói chung cho một tín ngưỡng của một vùng cộng cư. Nhưng tùy theo cư trú ở vùng thổ nhưỡng nào thì “đặc tả” về nơi ấy. Quảng Nam hội tụ đủ các xứ biển, sa bồi (cát), đất (đồng), núi (rừng)… nên lễ cúng mỗi nơi cũng có màu sắc riêng. Ví như ở núi vào các dịp chọn đất lập làng hay mở cửa rừng thì vái thần rừng, mâm cúng có sản vật của rừng. Ở biển thì vái thần Nam Hải, ông ngư, mâm cúng có sản vật biển. Dù cúng ở đâu thì cũng mang nghĩa thành kính tạ ơn, thiêng hóa những sức mạnh vô hình tác động đến đời sống con người, mong cầu hộ trì cho việc làm ăn sinh sống của cư dân được mưa thuận gió hòa trên đất đai rừng biển. Đó là chỉ dấu của nền văn hóa, văn minh nông nghiệp vốn chịu tác động thường xuyên và mạnh mẽ của thiên nhiên.

Đề cập tác động của thiên nhiên cần ngẫm lại điều này: con người nên chọn lối ứng xử nào, chống lại hay thuận theo tự nhiên? Đã có một quá trình lịch sử con người cải tạo tự nhiên để tạo môi trường sống cho mình. Nhưng cải tạo hợp lý mà thuận theo tự nhiên thì tồn tại, còn những ảo vọng ngông cuồng “chinh phục tự nhiên”, “chống lại thiên nhiên” thường thất bại. Không hiểu quy luật tự nhiên với bàn tay sắp đặt tài tình của tạo hóa nên muốn phá rừng, ngăn sông, đào đất, lấn biển tràn lan thì đến lúc sẽ nhận lấy hậu quả tan hoang. Cho nên cúng đất, cát, biển, rừng… thành tâm mong sự bình an, thuận hòa thì phải thay đổi hành vi ứng xử với thiên nhiên, tự nhiên. Nếu đầu lạy mà tay phá thì cúng có nghĩa gì đâu (?) Gần đây người ta hay đề cập những khái niệm “tôn trọng thiên nhiên”, “sản xuất có trách nhiệm với môi trường”… chính là mong cầu sự thay đổi hành vi để “ứng phó”, “thích nghi” với biến động của tự nhiên. Nhân đây nhắc câu chuyện về bộ phim tài liệu “Cát ngược dòng”  vừa được VTV chiếu lại, trong đó mô tả những phận đời và bao nỗi niềm với Cửa Đại lở bồi dâu bể. Ở đó người dân bày mâm lễ “cúng cát” mong cầu cát về bồi lại bờ biển đang xói lở, để xóm làng an yên, để sống với du lịch, để bước mưu sinh không trôi tụt với con sóng dãi dầu. “Cúng cát” thật là niềm đau đáu, ngược lên cả phía nguồn để hỏi các dòng sông từ Vu Gia, Thu Bồn bị thủy điện chặn nguồn, bị hút cát lòng sông…

Biển, cát, đất, rừng… môi sinh là đấy, cúng cầu từ đấy an yên!

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM