Suối nguồn tin yêu

NGUYỄN ĐIỆN NAM 22/12/2018 23:36

Dòng suối thông tin, cả trên báo chí và mạng xã hội gần đây mang đến những cảm xúc trái chiều.

Dường như những “mảng đen” quá nhiều. Mở mắt ra là thấy tai nạn giao thông, cướp giật, ô nhiễm môi trường… trong bản tin “chào buổi sáng”. Rồi thầy giáo dâm ô, cô người đẹp cướp chồng của bạn, nhà báo tống tiền, những chuyến hàng giả bị bắt, thuốc lắc và ma túy len lỏi mọi nẻo đường… trong chùm tin tức 24/7. Lại đôi ba ngày thì bắt vài vị quan to vi phạm pháp luật, bán đất, biển thủ của công, thông đồng tham ô, tham nhũng.

Mảng sáng với những người tốt, việc tốt cũng có phản ánh, nhưng dung lượng có vẻ ít hơn. Phải chăng xã hội bây giờ ít người tốt, việc tốt? Báo chí và mạng xã hội không thiếu chuyện đưa tin giả như thầy giáo bịa đặt tin nhặt được của rơi, hay những kẻ từ thiện giả danh, những trò lăng xê quá lố. Trong khi những việc tốt, người tốt thì chìm lấp đâu đó. Từ việc nhỏ như nhặt rác trên sân bóng, đến tự nguyện nuôi trẻ mồ côi, chăm người khuyết tật, giúp đỡ hoàn cảnh không may, hỗ trợ người nghèo… đâu cũng có, nhưng báo chí dường như ít chú ý bằng các vụ việc tiêu cực.

Rõ ràng dung nạp vào mình cả năng lượng tiêu cực và tích cực, nếu không tự cân đối điều tiết để tiêu hóa được, cả người đưa tin và người đọc đều dễ bội thực, choáng loạn tâm trí, rồi sinh hoài nghi mọi thứ. Hoài nghi đến nỗi nghe tin một em học sinh ở Quảng Nam trả lại của rơi gần 50 triệu đồng mà nhiều nhà báo còn e dè đặt câu hỏi liệu có như ông thầy giáo bịa chuyện kia không? Hoài nghi trong tâm lý khi tham gia sinh hoạt chính trị còn đáng sợ hơn, vì rằng cán bộ cấp dưới không biết các quan chức từng giảng bài đạo đức thao thao bất tuyệt cho họ, liệu mai kia có thành củi vô lò? Cho nên, làm thế nào để tạo những suối nguồn tin yêu là việc khó.

Suối nguồn tin yêu nằm ở đâu trên cõi đời này? Tùy mỗi người đi tìm trong lý tưởng, chủ thuyết xã hội, hoặc không ngoại trừ cả tín ngưỡng, tôn giáo. Ở đâu cũng cần niềm tin và khát vọng cống hiến. Như bao gia đình cách mạng trung kiên vẫn nhắc nhớ cháu con giữ mãi hình ảnh thế hệ cha anh hy sinh vì nền độc lập cho Tổ quốc, mà mỗi dịp kỷ niệm ngày truyền thống quân đội 22.12 lại nhắc về. Hay như ký ức “Hà Nội mùa đông năm 46” vẫn còn sống động tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mà các bậc lão thành không thể nào quên được. Rồi trong thương trường đương đại, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tìm cách định vị cho sản phẩm Việt Nam trên thế giới. Trí tuệ Việt cũng được khẳng định với những nhà khoa học nghiên cứu cơ bản như Ngô Bảo Châu tiếp tục nhận được giải thưởng toán học danh giá, đến những nhà nghiên cứu ứng dụng được tôn vinh “Anh hùng môi trường” như Ngụy Thị Khanh. Còn trong sinh hoạt đời thường, vẫn có những hình ảnh gợi nhiều suy tưởng về đức tin và khát vọng. Như trước thềm Noel, lại nhớ hình ảnh thủ môn Đặng Văn Lâm, người con mang hai dòng máu Việt - Nga, cầu nguyện tạ ơn Chúa khi đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch Đông Nam Á. “Sống phúc âm trong lòng dân tộc” có thể khơi nguồn từ vẻ đẹp ấy.

Câu chuyện cuộc đời có khi phải nhờ văn học khơi sáng tâm tưởng, như Suối nguồn của Ayn Rand – một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20, cho thấy rằng dù khi không còn đủ lòng tin vào xã hội tồi tàn, nhiều tệ nạn thì cũng không nên dừng lại, không chịu thua nó, mà hãy sống với cái bản năng cùng đức tin của mình. Và khi đã sống cho lý tưởng, niềm đam mê khát vọng tốt đẹp, cuối cùng con người sẽ đi đến đích, như “tất cả dòng sông đều chảy ra biển”.

Những “mảng đen” tiêu cực có thể gây ám ảnh, nhưng nếu để năng lượng xấu tràn lấp năng lượng tốt, con người sẽ bị nhấn chìm trong vũng bùn hoài nghi vô tận và tự ti không lối thoát.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM