Tản mạn về bình phong
Gần đây hay nghe người ta nói về cái “bình phong” mà toàn chuyện không hay. Thực ra nó là thứ gì? Nó có từ bao giờ, công dụng xấu hay tốt? Tại sao thời nay chuộng nó đến thế?...
Tra từ điển, bình phong là vật dụng để che chắn gió. Nghĩa rộng ra thì tấm bình phong là cái dùng để che chắn, che đậy nói chung. Người ta dùng các bảng gỗ kết nhau, hoặc các khung vải có vẽ tranh, ngăn chia không gian trong nhà để che chắn những gì cần thiết. Vậy nên bình phong ban đầu chỉ vật dụng trong thiết kế nội thất, và được người ta dùng từ thời…cổ đại.
Người Việt đã biết dùng bình phong lâu rồi. Như trước gian thờ chính có bức bình phong 4 hay 8 lá xếp, che chắn cho người ngoài bước vào không xộc thẳng cái nhìn lên bàn thờ gia tiên. Trong những ngôi nhà 5 gian xưa, có nhiều bức bình phong che chắn các phần không gian một cách hợp lý như chia chỗ bàn thờ với bàn trà tiếp khách, chia lối cho phụ nữ đi lại kín đáo, che chỗ đặt tràng kỷ để nằm khỏi thấy hớ hênh. Vì là vật dụng gọn nhẹ nên di chuyển tấm bình phong dễ dàng, có thể tùy biến không gian trong nhà cho có sự thay đổi nhưng không xáo trộn. Công dụng của bình phong trong nội thất rõ là hay. Và, vì thế ngay thời hiện đại người ta cũng chuộng dùng, nhất là không gian các quán trà, cà phê cần sự trang nhã, khéo chia các góc riêng tư cho khách.
Từ nhà ra ngõ, tấm bình phong đã có những biến đổi đa dạng. Nhà vườn thường làm tấm bình phong bằng gạch xây cuốn thư trước sân, che chắn gian cửa chính. Trên đó người ta hay vẽ chữ “Thọ”, “Phúc”, hoặc vẽ tứ linh (long, lân, quy, phụng)... Nhà bình dân không có tiền xây vẽ cầu kỳ thì chỉ trồng cụm chè tàu cắt lên vuông vắn, hoặc có khi là khóm trúc cắt tỉa công phu. Nhìn từ ngoài ngõ vào thấy bức bình phong che chắn, có hình vuông như chữ điền. (Có phải vậy mà Hàn Mặc Tử thấy thập thò bóng ai trong câu thơ “lá trúc che ngang mặt chữ điền”?). Ghi nhận của nhiều nhà nghiên cứu, Huế là nơi lưu giữ nhiều nhà vườn và nhiều kiểu bình phong đặc trưng của người Việt.
Mở rộng không gian ra nữa, bình phong có thể là ngọn núi làm bàn án, tiền án cho kinh thành, khu tăng tẩm, hoặc cả vùng đất. Với nghĩa đó, núi Ngự Bình là cái bình phong của kinh thành Huế. Đất nào cũng phải giữ bình phong để che chắn tà độc khí xấu. Tự nhiên phong thủy có cái lẽ hay mà nói khó cùng. Chẳng hạn Sơn Trà là bình phong của Đà Nẵng, Cù Lao Chàm là bình phong của Hội An, Bàn Than là bình phong của Chu Lai, nếu không biết giữ gìn thì suy vi, trước hết là lãnh đủ gió chướng, gió bão, gió độc.
Như thế bình phong trong kiến trúc tự nhiên hay nhân tạo đều có ý nghĩa rất quan trọng, có công dụng hữu ích. Còn khi dùng tấm bình phong trong xã hội thì đâm ra rắc rối đủ kiểu. Mấy vụ đại án đã và đang xử chỉ ra những tấm bình phong che đậy thứ mờ ám, như cái công ty công nghệ cao làm bình phong cho cục phòng chống tội phạm (hay ngược lại là C50 làm bình phong cho CNC?), rồi như vụ Vũ Nhôm cũng liên quan đến cái gọi là công ty bình phong. Ở đây nghĩa phái sinh của tấm bình phong là vật (hay cái vỏ) để ngụy trang. Tình báo hay các hoạt động ngầm thì dùng bình phong che đậy. Xưa hay nay cũng vậy. Tuy nhiên, chính vì cái sự mờ ám mà dễ bị lợi dụng để trục lợi nếu không được kiểm soát. Chuyện an ninh quốc gia mà để các ông tướng mượn bình phong làm bậy, xem ra đã không ngăn được gió độc tà khí mà còn rước quỷ vào phá nhà.
Biết bao điều để nghĩ khi nhìn tấm bình phong trước mắt tha nhân!
NGUYỄN ĐIỆN NAM