Ứng xử với di sản
Từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 23.11 làm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Nhưng phải tính xa hơn, việc ứng xử với di sản văn hóa của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được đặt định từ 23.11.1945, bằng Sắc lệnh số 65/SL.
Chiểu theo Sắc lệnh 65/SL có quy định: “Cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn”.
Sắc lệnh cũng khẳng định bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam” (khái niệm “cổ tích” ngày nay được gọi là di sản văn hóa, gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể).
Về mặt ý chí của quản lý Nhà nước là vậy, nhưng thực tế lịch sử với thăng trầm dâu bể, chiến tranh ly loạn, thiên tai khắc nghiệt, nhiều di sản của tổ tiên để lại đã bị tàn phá nặng nề. Quần thể tháp Chăm Mỹ Sơn của Quảng Nam là minh chứng dễ thấy. Khi người Pháp tiến hành khảo sát cuối thế kỷ 19 thì Mỹ Sơn còn tới 70 đền tháp, nhưng nay nhiều ngôi tháp đã bị sụp đổ. Còn Đô thị cổ Hội An, sau khi được UNESCO công nhận Di sản thế giới (12.1999), thống kê còn 1.360 di tích, trong đó có khoảng 1.100 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 ngôi đình, 44 mộ cổ loại đặc biệt… Loại di tích là nhà cổ chiếm số lượng nhiều nhất và cũng kêu cứu trùng tu nhiều nhất vì phần lớn đều xuống cấp nặng nề. Tình trạng di sản văn hóa vật thể như thế còn di sản văn hóa phi vật thể thì mai một, mất mát nhiều loại hình diễn xướng dân gian, các tri thức bản địa… Cho nên, nói việc ứng xử với di sản, đầu tiên là phải lo bảo tồn, giữ gìn những giá trị ký ức, rồi đến trùng tu và phát huy giá trị. Đặc biệt là trong công cuộc kiến thiết, do nhu cầu đời sống mà di sản, di tích có thể bị xâm lấn, phá hủy để nhường chỗ cho những công trình mới mọc lên.
Dù bị mất mát khá lớn nhưng Việt Nam vẫn là một trong những nước có nhiều Di sản thế giới được UNESCO công nhận, với 27 di sản (bao gồm di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, công viên/bảo tàng địa chất, di sản hỗn hợp và di sản tư liệu). Còn Quảng Nam là tỉnh có nhiều di sản các loại, với 2 Di sản văn hóa vật thể và 1 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 1 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận chung cả vùng (bài chòi), 4 di tích quốc gia đặc biệt, 61 di tích cấp quốc gia. Đây quả là “kho vàng”, tài sản vô cùng quý báu cha ông để lại cho con cháu chúng ta.
Từ nhiều năm nay, du lịch Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng đã tăng tốc phát triển nhờ vào các di sản, di tích, danh thắng được tôn vinh, quảng bá ở tầm quốc gia và quốc tế. Song nhiều vùng đất di sản có nguy cơ “đánh mất ký ức” hoặc “trẻ hóa di tích” và quá tải vì tác động tiêu cực của dịch vụ cùng nạn ô nhiễm môi trường. Những đô thị phát triển vây hãm làm ngột ngạt không gian di tích. Những di sản phi vật thể chủ yếu trình diễn sân khấu hóa mà mất không gian sinh hoạt truyền thống...
Ứng xử với di sản như thế nào? Chúng tôi xin dẫn lại ý kiến GS.KTS Hoàng Đạo Kính – một chuyên gia uy tín về bảo tồn di sản: “Tất cả những gì chúng ta gọi là di sản, di tích, cổ vật đều là những thứ mà chúng ta phải giữ lại, nhưng phải giữ lại với những cách ứng xử khác nhau. Di tích, di sản còn sót lại của cha ông đều là duy nhất, hiếm hoi. Hễ chúng ta làm nghèo chúng đi, vơi đi hoặc làm chúng “trẻ” lại thì đều là đi ngược lại bản chất của công việc bảo tồn”.
NGUYỄN ĐIỆN NAM