Bàn tay trần
Dân gian thường truyền miệng: “Thịt gà, xôi nếp, đàn bà/ Cả ba thứ ấy đều là… dùng tay”. Ấy là nói chuyện dùng tay để xé thịt gà, vo nắm xôi mà ăn mới đạt cảm giác khoái khẩu. Còn nhiều thứ khác cũng phải dùng bàn tay trần để bốc ăn như cơm lam, bắp nướng, khoai nướng, mía lùi… (Riêng cái “món” đàn bà sao lại dùng tay chắc phải nhờ các vị từng trải chỉ giáo).
Vì là cảm giác nên sẽ khó bàn cho cùng tận, nhưng rõ ràng tục ăn bốc đã có từ lâu đời, và vẫn còn tồn tại ở một số tộc người. Như ở vùng núi Quảng Nam, đồng bào nấu/đốt cơm lam trong ống nứa, chẻ ra dùng tay vo cơm để ăn. Còn xa xôi như các tộc người bản địa ở Ấn Độ, quần đảo Nam Dương, Mã Lai… vẫn còn giữ cách ăn bốc bằng tay phải. Có triết lý cho rằng ăn bằng bàn tay trần với 5 ngón tay tượng trưng lửa, nước, đất, trời và không khí, sẽ cảm nhận được ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) tương ứng với ngũ vị (cay, chua, đắng, mặn, ngọt). Xem ra cái bàn tay trần in dấu vết “văn hóa ăn” qua nhiều năm tháng.
Người Quảng từ lâu vẫn thương hoài những món ăn từ bàn tay mẹ nấu và chăm bón. Bàn tay trần của mẹ cũng vun lấy cục cơm nhai đút cho con. Bàn tay mẹ bốc mỳ bỏ vào tô rồi chan nhưn. Bàn tay trần như bẹ lá ôm lấy củ sắn đập dập với đậu phụng... Đó là những hình ảnh quấn quít trong ký ức nhiều người.
Kể vậy để thấy rằng, bàn tay trần không phải là nguyên cớ cho việc sống có vệ sinh, an toàn thực phẩm hay không. Tuy nhiên, theo lối sống văn minh người ta cũng chú ý nhiều hơn về vấn đề vệ sinh trong ăn uống, nhất là với những người bán thức ăn đường phố. Như câu chuyện về ông già người Quảng vào quán kêu một tô bún. Thấy người bưng ra ông bảo bún nguội thế ai ăn và đòi đổi. Khi người bưng bún cãi lại thì ông mới “nói gay” nếu bún không nguội sao quặp cả đầu ngón tay vào mà không bị phỏng (?). Đó là vì ông già thấy bàn tay trần của người bưng không khéo, để nhúng cả đầu ngón tay vô tô bún.
“Nói gay” như ông già xứ Quảng cũng còn ứng đối và thay đổi được chứ bây giờ đã có quy định phạt những hành vi gây mất vệ sinh thực phẩm như thế mới lo. Theo Nghị định 115/2018 của Chính phủ, có hiệu lực từ 20.10 tới đây, người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay sẽ bị phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Còn các cửa hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang, không cắt ngắn móng tay… sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng. Sẽ không dễ thở với nhiều người quen dùng bàn tay trần bốc thức ăn bán cho khách vì dễ bị phản ứng, thậm chí bị phạt.
Thói quen ăn bốc theo tập tục thì không dễ thay đổi một sớm một chiều, nhất là khi gắn với bản sắc văn hóa ẩm thực. Có điều cho dù ăn theo kiểu ông bà xưa truyền lại cũng cần chú ý đảm bảo vệ sinh. Còn dĩ nhiên bán thức ăn đường phố vốn rất dễ bị nhiễm khuẩn mà dùng thêm bàn tay trần không rửa ráy sạch sẽ thì phải thay đổi cung cách phục vụ đi. Cái câu “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” và bàn tay thơm tho luôn là điều cần chú ý trong dịch vụ phục vụ ẩm thực cho cộng đồng.
NGUYỄN ĐIỆN NAM