Từ "thơ Quỳnh" đến fake news
Có giai thoại truyền rằng Trạng Quỳnh muốn giúp người chèo đò nghèo khổ, bèn ra giữa cồn sông cắm cái chòi lá rồi đánh trống khua chiêng, xướng thơ và tung tin cho dân các làng bên nên đến đó để xem thơ Quỳnh. Nghe tin đồn nhiều người nườm nượp qua đò đến bãi cồn xem cho được. Nhưng xem về ai cũng tiu nghỉu, lặng im cả. Về sau có người xì ra là trong chiếc chòi lá đó dán tấm giấy điều trên vách có ý răn đe: “Trạng lột... cha đứa nào nói với đứa nào. Nếu nói ra, cả nhà cha mẹ con cái chúng chết bất đắc kỳ tử, không người nối dõi”. Ấm ức bị lừa, tốn tiền qua đò mà không ai dám mở miệng nói ra vì sợ mắc phải câu nguyền rủa ấy (?!).
Thời nay vẫn có nhiều kiểu không khác chi rủ nhau đi xem… thơ Quỳnh. Mới đây có tờ báo tung tin về một cây lan độc nhất Việt Nam, gọi là giã hạc, đột biến ra hoa cực đẹp, giá tới 7 tỷ đồng. Tuy nhiên nghi vấn đặt ra là nếu nhiều người xem thì cũng phải xì ra thông tin, ít nhất là cây lan đặt ở đâu, ai mua, ai bán, hay là đặt giá cho vui (?). Rồi đến chuyện bắt được con cá sú vàng bán 1 tỷ đồng, có gốc cây bán tới 35 tỷ đồng… Hư thực chẳng ai kiểm chứng. Người viết bài này cũng từng dẫn chuyện ở Quảng Nam có bài báo cho biết dấu chân loài thú lạ (nghi là cọp) xuất hiện trên bãi biền sông Thu Bồn; rồi chuyện trúng kỳ nam ở Đại Lộc, cả làng thu hơn trăm tỷ đồng... Đọc chuyện lạ vì hiếu kỳ là chính chứ khi kiểm chứng lại thì tóa lọa.
Một kiểu “thơ Quỳnh” khác trên Facebook thường xuất hiện dưới dạng quảng cáo thuốc. Các loại thần dược như thuốc giảm cân, chỉ uống mấy tuần là giảm được dăm bảy cân mà không cần tập luyện gì cả, lại không phải ăn kiêng. Thuốc trị rụng tóc, hói đầu chỉ dùng đâu vài tháng là “xanh lại tuổi hai mươi”. Thuốc tăng cường sinh lực cho nam, chỉ cần bôi xoa là “cái ấy” dài ra mấy phân, có thể làm việc hùng hục cả mấy tiếng đồng hồ. Rồi thực phẩm chức năng thì có loại còn chống được… ung thư; mỹ phẩm làm đẹp thì khiến da bà già trở lại thời con gái (!). Nhiều tin loại này gắn kèm nhãn hàng với những lời bình luận, tâm tình bằng nickname ảo, đại khái là khuyên nên mua ngay.
Những kiểu “thơ Quỳnh” trên mạng xã hội có công nghệ sản xuất tin hẳn hoi. Một số chuyên gia về truyền thông đã chỉ ra công nghệ sản xuất tin giả - fake news. Nôm na đó là tin vịt, tin giả, tin chưa kiểm chứng hoặc rất khó kiểm chứng nhanh được. Người xem qua hời hợt có thể like/share (thích và chia sẻ). Một đồn mười, mười đồn trăm, có hay đâu kẻ tung tin nhằm câu lượt xem để bán hàng hay có dụng ý trục lợi khác. Đáng sợ hơn là công nghệ sản xuất fake news có thể đánh sụp một thương hiệu chân chính; còn trong lĩnh vực chính trị thì làm lợi cho ý đồ tạo thuyết âm mưu để dựng lên hay đánh quỵ đối thủ. Ngay chính tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhiều lần cảnh báo về fake news, làm cho cụm từ này trở nên phổ biến.
Trạng Quỳnh muốn tạo chuyện “thơ Quỳnh” là để giúp cho người chèo đò nghèo khổ có tiền sinh sống. Còn Mark Zuckerberg muốn tạo ra facebook để ai cũng có thể trở thành phóng viên và đưa tin trung thực, khách quan theo góc nhìn của mình. Vậy nhưng ông trạng hay chàng Mark đâu ngờ công nghệ sản xuất tin giả nảy sinh và phát triển mạnh hơn trên nền sản phẩm mình tạo ra. (Do đó mà có người châm biếm mạng Facebook là Fakebook, chỉ cái ổ phát sinh fake news).
Trong khi tìm cách hạn chế hiện tượng “thơ Quỳnh” hay fake news, có lẽ những người lướt mạng hàng ngày cần sử dụng khả năng kiểm chứng tỉ mỉ nhiều chiều thông tin, rồi phân tích, lập luận, phản biện một cách rõ ràng, logic, nhằm đánh giá chân xác các sự kiện, vấn đề.
NGUYỄN ĐIỆN NAM