Bài học mùa thu ấy

ĐĂNG QUANG 02/09/2018 02:17

Bảy mươi ba năm trước, ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trong Tuyên ngôn độc lập: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Để giữ vững nền độc lập non trẻ, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã họp phiên đầu tiên ngày 3.9.1945, xác định ngay những nhiệm vụ cấp bách, trong đó nhấn mạnh phải chống “giặc đói”, chống “giặc dốt”, với tinh thần như chống “giặc ngoại xâm”. Từ chủ trương này, Chính phủ đã nhanh chóng hành động, đồng thời kêu gọi cả nước chung sức chung lòng thực hành hũ gạo tiết kiệm, quyên góp tiền của giúp đồng bào chống đói, và ủy lạo hoạt động của nhà nước. Việc chống “giặc dốt” cũng triển khai ngay với việc ban hành Sắc lệnh ngày 8.9.1945, thành lập Nha bình dân học vụ để “trông nom việc học của nhân dân”. Phong trào bình dân học vụ mở rộng, nhờ đó chỉ sau một năm thực hiện đã mở được 15.000 lớp học, đào tạo 95.000 giáo viên, nạn mù chữ được đẩy lùi một bước. Bài học quý giá ở đây chính là làm cho cái bụng yên và cái đầu sáng ra thì thành quả cách mạng mới được giữ vững. Kinh tế và giáo dục, rõ ràng là hai trụ cột đầu tiên cần nhà nước xây đắp cho mục tiêu khai sáng xã hội mới. Và đặc biệt, một đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi chính phủ thành lập là “mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính”, là bài học đáng suy ngẫm. Không có “cần kiệm liêm chính” sẽ không vượt qua được cam go gian khổ từ mùa thu Cách mạng tháng Tám, khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tiến hành công cuộc chống thù trong giặc ngoài. Trải thêm hai cuộc kháng chiến trường kỳ, chính việc “cần kiệm liêm chính” làm cơ sở cho sự đồng thuận của nhà nước với nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp cho cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà. Cả đến ngày nay, không thực hiện được 4 điều căn bản ấy cũng khó làm cho dân giàu nước mạnh.

Bài học về “cần, kiệm, liêm, chính” thực tế đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều qua các thời kỳ cách mạng. Hiện nay, việc cổ xúy xây dựng chính phủ “hành động”, “liêm chính”, “kiến tạo”, thực chất cũng là phát huy tinh thần ấy. Vấn đề là cần thức nhận trong một bối cảnh mới, điều kiện mới, cả thuận lợi và thách thức mới. Chẳng hạn, bối cảnh là các thứ “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm” có cấp độ khác, trá hình kiểu khác, phương thức tác động khác… nên phải có một trình độ phòng chống khác đi. Cũng phải nói ngay là “giặc nội xâm” vẫn hiện diện với những kẻ suy thoái, biến chất, tham nhũng, đang tìm cách lũng đoạn bộ máy nhà nước và xã hội, cấu kết với thế lực bên ngoài làm suy yếu sức mạnh quốc gia. Cho nên lực lượng những người “cần, kiệm, liêm, chính” sẽ còn phải tiến hành công cuộc đấu tranh lâu dài, cam go, phức tạp, mà vũ khí tinh thần chính là lòng yêu nước, sự trăn trở với vận nước. Lòng yêu nước, như cố Giáo sư Trần Văn Giàu (nhà hoạt động cách mạng, từng lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn – Gia Định năm 1945, nhà nghiên cứu lịch sử và triết học), từng nói rằng “vận nước suy hay thịnh, mất hay còn, nhục hay vinh, phần rất quan trọng là tùy thuộc ở chỗ ta ứng dụng và phát huy hay ta quên lãng và chôn vùi món vũ khí tinh thần ấy”.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG