Vu lan bàn chuyện... sát sanh

NGUYỄN ĐIỆN NAM 25/08/2018 01:39

Dân gian từ xưa đã truyền tụng câu chuyện về bà Thanh Đề vì sân si mà phạm tội sát sanh, lấy thịt chó làm nhưn bánh đãi nhà sư nên bị đọa vào địa ngục. Để xá tội cho mẹ, đức Mục Kiền Liên đã nhờ hiệp chư tăng cầu ơn Phật cứu độ. Từ đó dịp vu lan gắn với ý nghĩa thực hành đạo hiếu và xá tội vong nhân.

Sở học ít ỏi nên không dám bàn về cội nguồn hư thực của truyền thuyết, chỉ cảm nhận rằng mỗi năm có dịp như Vu lan để ngẫm riêng về chuyện sát sanh cũng là điều cần cho tâm thức con người.

Trong lịch sử, ngoài bao cuộc chiến sát sanh đồng loại, con người còn giết chóc nhiều loài động vật để mưu cầu sự sống. Động vật hoang dã dần trở nên quý hiếm bởi con người săn bắt; đến các con vật gần gũi thân quen như con chó, con trâu, dù hết sức phụng sự cho chủ cũng bị làm thịt. Nhiều nước trên thế giới kiêng ăn thịt chó, thịt bò nhưng không ít nơi vẫn chẳng kiêng gì cả. Ngay nước ta, có nhiều người theo đạo Phật  không ăn thịt chó, nhưng hằng năm theo thống kê của Liên minh Bảo vệ chó châu Á (ACPA) vẫn có khoảng 5 triệu con chó bị giết thịt để phục vụ nhu cầu của một bộ phận người dân khác. Cũng theo ACPA, thịt chó được cung cấp tại Việt Nam có từ nhiều nguồn: mua bán, bị bắt trộm trong nội địa và nhập lậu ở nước ngoài. Việt Nam, cùng Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia, Mexico… thuộc nhóm các nước tiêu thụ nhiều thịt chó. Đối với động vật hoang dã, Tổ chức Động vật châu Á từng thống kê Việt Nam có hơn vạn cơ sở nuôi nhốt với nhiều triệu cá thể của hàng chục loài, để lấy thịt và các bộ phận khác nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Việc săn bắt động vật quý hiếm để làm mồi nhậu cho các nhà hàng vẫn diễn ra mà thi thoảng lại rộ lên các vụ phát hiện của cơ quan chức năng.

Lý giải nguyên nhân sát sanh khó mà tường tận và phân định có phải là tội lỗi hay không, hoặc vì nhu cầu thế này thế khác, cũng khó cạn hết lẽ. Chỉ biết rằng, qua hành động giết thịt động vật, con người rõ ràng tự cho mình cái quyền của động vật bậc cao có ý thức, là chúa tể siêu việt. Trong thế giới muôn loài, con người xem động vật khác như phần bổ sung của hệ sinh thái lấy mình làm trung tâm nên bảo con người quan tâm đến các vấn đề như “quyền của động vật”, “phúc lợi của động vật” là không dễ. Điều này rất khác với quan niệm nhà Phật coi muôn loài đều bình đẳng với quyền được sống, do vậy giới luật cấm sư tăng sát sanh được xem trọng hàng đầu. Các nhà sư cũng khuyên người ngoài đạo tránh sát sanh hay giam cầm động vật và nên phóng sinh. Vấn đề có lẽ sẽ đi vào phạm trù đạo đức, như lời bàn của GS. Sarao (Đại học Delhi – Ấn Độ), rằng động vật cũng “dường như biểu lộ một vài đức hạnh có giá trị sâu sắc”, hiển hiện như sự “hy sinh cho con cái của chúng, cảm thông với đồng loại của chúng, yêu mến bạn tình của chúng và tương thuộc với cộng đồng của chúng”. Như thế, dù con người khả năng hiểu biết lớn hơn muông thú thì cũng không có nghĩa là có quyền bóc lột mà “cần có thái độ tử tế với những loài sống thấp kém hơn”.

Thế nào là đối xử tử tế với động vật? Thực tế  nhiều nước trên thế giới đã có chế ước rất kỹ càng cụ thể về vấn đề nêu trên, nhằm đảm bảo quyền và phúc lợi cho động vật. Còn ở ta, những khái niệm này là khá mới mẻ. Tuy vậy, trong Luật Thú y (năm 2015) đã có quy định “bảo đảm quyền vật nuôi”. Đặc biệt, Luật Thú y có điều khoản “giảm thiểu đau đớn, sợ hãi, đối xử nhân đạo với động vật trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy, phòng bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học”. Mới đây, dự thảo Luật Chăn nuôi cũng đề xuất quy định về quyền vật nuôi. Theo đó, vật nuôi được đảm bảo điều kiện để sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh; được đối xử nhân đạo trong quá trình chăn nuôi, khai thác, hoạt động giải trí, giết mổ, nghiên cứu khoa học. Có đề xuất quy định cung cấp cho động vật đủ thức ăn, nước uống, không gian thông thoáng, không đánh đập, hành hạ trong hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, không gây đau đớn, sợ hãi, phải gây ngất trước khi giết mổ nhằm bảo đảm “phúc lợi cho vật nuôi”. Có ý kiến đề nghị đổi cụm từ “phúc lợi cho vật nuôi” thành “đối xử nhân đạo với vật nuôi”. Dù còn nhiều điều phải luận bàn, nhưng rõ ràng, đây là bước tiến lớn về nhận thức để chế ước việc đối xử tử tế với động vật.

Đối xử giữa người với người, giữa người với động vật mà không tử tế nói gì đến chuyện văn minh, tiến bộ.

Tử tế với động vật, sâu xa là thể hiện đặc tính người.

Mùa vu lan, bàn chuyện sát sanh cũng là mong “ngộ” được điều sâu xa ấy.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM