Khi con cưng hư hỏng

NGUYỄN ĐIỆN NAM 28/07/2018 09:55

Trước hết nói chuyện về thương hiệu Con Cưng của doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm cho trẻ em, phụ nữ có thai với các sản phẩm chính như tã, sữa, thực phẩm, thời trang, đồ chơi cho bé... Bán những thứ thiết yếu như vậy, với hơn 300 cửa hàng trên toàn quốc, thì bất cứ sự cố hư hỏng nào về sản phẩm cũng gây ra “cơn bão” dư luận.

Bắt đầu là sự nhập nhèm của nhãn mác hàng hóa, cắt sửa không đúng quy định. Cái nhãn mác hàng hóa như tên người, không rõ ràng ắt gây nhầm lẫn và gây nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ. Hàng không rõ nguồn gốc cũng như người lạ không biết từ đâu đến, làm sao mà tin được (?). Quan trọng hơn là những nghi hoặc về chất lượng, mà đây là những mặt hàng liên quan mật thiết đến sức khỏe con người. Có lẽ ý thức rất rõ thiệt hại của thương hiệu nếu để mất niềm tin từ người tiêu dùng nên đại diện của công ty lên VTV xin lỗi, và cho biết sẽ thu hồi ngay sản phẩm hư hỏng (báo chí đưa tin có gần 6 ngàn sản phẩm thu hồi đợt đầu). Bộ Công Thương cũng sốt sắng vào cuộc, cho tổng kiểm tra các cửa hàng Con Cưng. Sự việc hư hỏng đến mức độ nào rồi sẽ có kết luận, nhưng không thể một sớm một chiều Con Cưng lại được người tiêu dùng… cưng như trước nữa.

Sản phẩm Con Cưng sai hỏng dù gây thiệt hại rất lớn thì rồi cũng khắc phục được, còn con người hư hỏng thì sao? Đó là chuyện những “con cưng” khác đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, đáng buồn là từ ngành giáo dục mà ra. “Con cưng” của các ông bà có chức quyền ở Hà Giang được cưng chiều nâng điểm, lộ ra sự hư hỏng tồi tệ trong tổ chức thi cử. Thầy tên Lương mà làm chuyện bất lương, dù có bị khởi tố và chịu hình phạt của pháp luật cũng không thể nào hàn gắn vết thương sâu hoắm đã gây ra cho giáo dục. Rồi không chỉ Hà Giang, tràn tới Sơn La, Lạng Sơn… gian lận thi cử đã trở thành một cơn lũ quét qua nhiều vùng đất, gây thiệt hại không thể đo đếm được. Bởi “con cưng” được nâng điểm ở Hà Giang thì bị lộ còn nơi khác đã kịp che đậy, xóa dấu vết hay dùng thủ đoạn tinh vi hơn không dễ phúc tra. Bởi chuyện gian dối trong thi cử sẽ còn gây ra sự mù mờ cho tuyển sinh đại học vì không xác định được “nguồn gốc xuất xứ” của điểm thi gắn với người thi thì nói gì đến đảm bảo chất lượng. Mất mát lớn nhất là niềm tin về nhân cách làm người mà giáo dục ở đâu cũng có những bài học rao giảng. Đau xót hơn, ngành giáo dục là “con cưng” khi được xem là “quốc sách hàng đầu”, được đầu tư khoảng 20% tổng chi ngân sách, nhưng vẫn loay hoay, luẩn quẩn tìm đường cải cách chương trình, đổi mới thi cử. Bầu sữa dành nuôi con cưng nhiều hơn nhưng con cứ ốm nhách lại hư hỏng thì mẹ càng đau khổ.

Đến đây lại ngẫm rộng ra là có phải cái gì, con nào được cưng quá thì sinh hư hay sao? Có lẽ vừa đúng vừa sai. “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” là nói cái cách giáo dục chưa đúng chứ ai cũng muốn có mẹ, có bà chăm lo với tình thương vô bờ. “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho ngào” cũng không hẳn đúng, vì nay đã có… luật chống bạo hành, nhưng rõ là dạy con thì phải nghiêm cẩn. Như thế, đúng sai phần nhiều đều do giáo dục mà ra cả. Từ buổi thiếu thời đi học đã gian dối thi cử, hối lộ để chạy điểm, chạy trường thì lớn lên vào đời lại tiếp tục chạy chức, chạy quyền, tiêu cực, tham nhũng. Từ giáo dục gắn nhãn bậy bạ cho người học thì ra làm ăn cũng gắn nhãn giả cho hàng hóa. Từ “con cưng” nhập nhèm về chất lượng trong thi cử đến sản phẩm Con Cưng trên thị trường, có điểm chung về nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, sẽ biến cho câu chuyện “lộng giả thành chân” hay “giả bảo làm chân, chân cũng giả”.

Khi con cưng hư hỏng, cần nhìn lại cách giáo dục của chúng ta về văn hóa và đạo đức làm người.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM