Cỏ dưới chân voi
Bóng đá thế giới quyết liệt tranh cúp vô địch. Sân cỏ thấm đầy mồ hôi và nước mắt. Cỏ tưng bừng reo vui với người thắng, nức nở đầm đìa với người thua.
Nhưng thắng - thua trên sân cỏ có thấm tháp gì đâu so với cuộc chiến thương mại giữa hai “con voi” Mỹ- Trung đang đến hồi gay cấn, có thể làm cho kinh tế thế giới chao đảo. Nước nào cũng có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này, và đương nhiên Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nói một cách hình tượng như ông Vũ Khoan, cựu Phó Thủ tướng Chính phủ, rằng “voi quần nhau thì cỏ cũng nát mà voi làm tình với nhau thì cỏ cũng nát. Chúng ta không phải cỏ, nhưng cũng không phải đại thụ về kinh tế, chính trị, quân sự… thì đương nhiên bị ảnh hưởng” (theo Vietnamnet).
Hẳn còn cần nhiều chuyên gia phân tích sâu mức độ ảnh hưởng, qua đó dự báo và đề xuất giải pháp cho quốc gia tìm đường đi giữa cuộc cạnh tranh thương mại ngày càng khốc liệt. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 7,08%, mức tăng ấn tượng sau nhiều năm, là con số rất đáng phấn khởi. Tuy nhiên, hiện nay độ mở của nền kinh tế nước ta đã rất lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu bằng khoảng 180% GDP, và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 20% trong GDP. FDI cũng chiếm hơn 50% giá trị sản lượng công nghiệp và hơn 70% giá trị xuất khẩu. Do đó, bất cứ biến động nào của thế giới, nhất là ở thị trường xuất nhập khẩu, nền kinh tế của Việt Nam sẽ nhận lấy ảnh hưởng theo quy luật “bình thông nhau”.
Theo nhiều chuyên gia, trong tình thế đó, để giữ nhịp độ tăng trưởng thì phải tăng được xuất khẩu. Phân tích thế mạnh cho từng mặt hàng và tìm phân khúc thị trường thích hợp là công việc mà các ngành, lĩnh vực phải chú trọng hơn nữa. Khe hở giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là những thứ hàng hóa mà hai “con voi” đều cần nhưng không thể cung cấp cho nhau vì rào cản thuế má quá nặng. Chẳng hạn như mặt hàng trái cây Việt Nam mà hai thị trường lớn ấy đều thích ăn, sẽ có thế mạnh trong xuất khẩu. Một số ngành hàng khác như linh kiện điện tử, dệt may, da giày,… cũng có thể gia tăng sản lượng xuất khẩu cùng với dịch chuyển của thị trường. Như vậy, để thấy trong thách thức luôn có cơ hội, không phải đám cỏ nào dưới chân voi đều bị nát hết. Quan trọng là có tìm được chỗ đứng ít bị ảnh hưởng tiêu cực của cuộc cạnh tranh và biết tiếp sức dinh dưỡng từ nhu cầu của thị trường.
Cạnh tranh thương mại là bình thường trong thị trường, thương trường. Những rào cản kỹ thuật chính là công cụ để các nước bảo hộ hàng hóa của mình trong thị trường mở với các hiệp định thương mại tự do. Chẳng hạn như việc áp “thẻ vàng” cho hàng thủy hải sản của Việt Nam. Tuy vậy, trong điều kiện khắc nghiệt đó, nếu biết điều chỉnh, thay đổi để đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí đặt ra thì cũng là cơ hội để nâng cao giá trị xuất khẩu mặt hàng này.
Người ta hay dẫn dụ “thương trường như chiến trường”, để chỉ độ khốc liệt trong việc cạnh tranh làm ăn. Trong chiến trường không tiếng súng đó vẫn có người chết nếu thua cuộc. Và nếu các “ông lớn” đấu nhau thì tầm ảnh hưởng khá rộng, tác động đến sinh mạng của những nền kinh tế liên quan. Nôm na như dân gian hay nói “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”.
Dù cho đến mức nguy hiểm vậy nhưng ruồi muỗi cũng biết cách tồn tại, sinh sôi bên chuồng trâu bò.
Và những vạt cỏ vẫn nảy nở bên bờ sông, bờ suối, len lỏi tồn tại giữa những dấu chân voi.
Với kinh tế thị trường, phải chăng đó là phép màu của khả năng tự điều tiết để vượt qua các cuộc khủng hoảng hay các cuộc chiến thương mại?
NGUYỄN ĐIỆN NAM