Rửa tai
Nghe nhiều chuyện phải trái bắt mệt nhưng cái tai vẫn phải nghe. Quốc hội họp, truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn, trả lời chất vấn, thì toàn dân nghe.
Nhỏ to đủ cả, nhiều vấn đề hay cũng đã được đề cập. Hỏi hay là chuyện xuất khẩu lao động, nhất là ngư dân nghề biển, trong khi nội địa thì thiếu nhân lực vươn khơi thực thi chủ quyền biển đảo, vậy phải làm sao? Hay như hỏi Trung Quốc xây 3 nhà máy điện hạt nhân gần biên giới phía bắc nước ta, làm sao phòng ngừa sự cố? Nóng như là chất vấn về dự thảo luật đặc khu, luật an ninh mạng, dường như kỹ thuật lập pháp còn có vấn đề chưa thông? Có chuyện tưởng đã nguội nhưng vẫn là nỗi day dứt chưa nguôi về các trạm BOT, về đổi mới giáo dục, về ô nhiễm môi trường, quản lý đất đai lỏng lẻo…
Chuyện vĩ mô đủ thứ, vi mô cũng có. Nhỏ mà không nhỏ như tình trạng bờ sông, bờ biển bị tư nhân hóa. Doanh nghiệp, nhà đầu tư các khu nghỉ dưỡng chiếm mặt tiền ra biển, dân không có lối ra. Cấp phép xây dựng sai luật ai sẽ chịu trách nhiệm? Trong cả nước, đâu cũng có tình trạng này, và nay bàn cách tháo gỡ thì không hề dễ.
Nghe một số vị đứng đầu bộ ngành nói về quản trị đất nước mà thấy lắm chuyện khó thông. Tại sao “ông” giao thông cứ lòng vòng câu chữ trạm thu giá hay thu phí đến nỗi Thủ tướng Chính phủ rồi Chủ tịch Quốc hội phải nhắc nhở mới thôi đi? Ông giao thông cũng nói chưa rõ ràng dứt khoát về xử lý các trạm BOT đặt sai chỗ, không minh bạch về kinh phí đầu tư và mức thu thế nào là hợp lý, lại đổ thừa đó là do “lịch sử” để lại. Hỏi lịch sử là cái tên nào, và ông có dự phần trong đó không, chắc bí. Ông giáo dục thì theo ông giao thông, sửa học phí theo luật giá, nên mới bị chế ra “học giá”. Ông môi trường thì cứ nói yên tâm, yên tâm về bao nhiêu chuyện, như khả năng phòng ngừa ứng phó sự cố điện hạt nhân; về giám sát môi trường biển, nhất là với vùng tác động của Formosa và nhà máy bô-xít có sự cố rò rỉ chất thải. Thực có yên tâm không? Ông kế hoạch đầu tư chủ trì soạn thảo luật đặc khu nói luật không có chữ nào đề cập tới Trung Quốc, nhưng một nhà phân tích chỉ ra điều 55 ghi rõ “công dân nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại Quảng Ninh” được hưởng nhiều điều kiện ưu đãi khi du lịch vào nước ta. Chừng đó chuyện đã thấy tai rát, đầu đau.
Nói thêm chuyện về luật đặc khu, quyết định thế nào còn phải chờ Quốc hội. Nhưng những ngày qua trên các diễn đàn báo chí đã có nhiều chuyên gia góp ý rất thẳng thắn, sát sườn. Một số thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ sự không đồng tình về nhiều điểm trong luật, về hiệu quả kinh tế, thu hút đầu tư. Trong khi đó, những lo ngại chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng bị ảnh hưởng tiêu cực đã dấy lên từ trong nghị trường đến ra ngoài xã hội. Đặc biệt, có hai bài báo đáng chú ý về Khu kinh tế mở Chu Lai của Quảng Nam, với ý kiến của chuyên gia Võ Đại Lược và nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Vũ Ngọc Hoàng. Âm hưởng chính là sự nuối tiếc về mô hình đặc khu - khu kinh tế mở ra đời cách đây 15 năm mà vẫn chưa thành công như mong đợi, bởi thiếu nhất quán về chính sách ưu đãi vượt trội.
Trong khi Quốc hội bàn thảo chuyện đặc khu, theo chúng tôi, cũng nên nhắc lại việc thực thi Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt (số 351/QĐ-TTg). Đây cũng là chuyện cần thiết cấp bách, với các dự án đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, hoàn thành 250km đường giao thông chính của 16 khu kinh tế ven biển, 220km đường giao thông cho 21 khu kinh tế cửa khẩu và 100km đường giao thông cho các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tại các địa phương. Làm được chương trình đó sẽ kết nối “mặt tiền” phía biển, giữ bờ cho vững để vươn ra biển xa mà hội nhập.
Thốt nhiên nhớ chuyện xưa có người muốn rửa tai vì nghe đời thị phi, nhiều lời xàm xí, xảo ngôn, loạn ngôn. Đến mức thế rồi mà có người còn sợ phải tránh chỗ rửa tai để khỏi bị nhiễm bẩn. Chỉ mong những lời “trung ngôn nghịch nhĩ” góp ý vào các vấn đề Quốc hội đang bàn, làm sao thấu thị đến người có trách nhiệm, để sửa cái sai, cái khiếm khuyết, tư vấn điều hay mà giúp cho quốc gia dân tộc hưng thịnh, phồn vinh?
NGUYỄN ĐIỆN NAM